“Ngày xưa có ba con gà sống ở một xứ có nhiều hoa. Chúng nó hái hoa
bỏ vào túi. Xong rồi chúng nó hái lá để vào đồ chơi của chúng. Trong xứ ấy
có một con chó sói và ở đấy có nhiều rừng; con sói thì ở trong rừng. Và con
sói đã ăn thịt mấy con gà sống nhỏ.”
Và còn bài thơ nhỏ này nữa:
«Xảy ra câu chuyện đánh một gậy
Ấy là Polichinelle đã đánh cho con mèo một gậy
Chuyện ấy không tốt cho Polichinelle, chuyện ấy đã làm hại nó.
Thế là một bà lớn bắt Polichinelle bỏ tù.»
Ở đấy có một em bé gái bị bỏ rơi, được tu viện nhặt nuôi làm phúc. Khi
em nghe các bạn khác nói đến mẹ các bạn ấy, em ngồi trong xó thì thầm câu
nói hiền dịu và xót xa này: “Em thì khi em ra đời, mẹ em không có ở đây".
Có một nữ tu sĩ phụ trách liên lạc với người ngoài to béo. Lúc nào người
ta cũng thấy bà lật đật ở các hành lang với chùm chìa khóa, tên bà là Agathe.
Các em gái lớn, hạng mười tuổi trở lên, đặt cho bà ấy cái tên Agathoclès.
Nhà ăn, một gian rộng, vuông, ánh sáng chỉ lọt qua một hành lang có cột,
liền ngay với vườn tu viện, thì lúc nào cũng tối và ẩm và như lời các trẻ nhỏ
vẫn nói: Đầy những sâu bọ. Tất cả các góc nhà xung quanh đều có sâu bọ bò
đến, do đó mỗi góc có một cái tên riêng tiêu biểu trong ngôn ngữ của các cô
gái nhỏ: Có góc nhện, góc sâu, góc bò cạp, góc dế; góc dế thì gần bếp và các
em gái nhỏ rất thích góc ấy. Ở đấy không lạnh bằng các chỗ khác. Những tên
ấy, từ nhà ăn đã lan sang nhà lưu trú và được dùng để phân biệt bốn “dân
tộc” như ở trường Mazarin cũ. Mỗi em gái đều thuộc một trong bốn “dân
tộc” ấy tùy theo góc phòng em vẫn ngồi bữa ăn. Một hôm Đức Tổng Giám
Mục, trong một cuộc kiểm tra, thấy một em gái xinh, hồng hào, với một bộ
tóc vàng tuyệt đẹp, đi vào trong lớp ngài đang thăm. Ngài hỏi một em gái
lưu trú xinh xắn khác tóc đen, đang ngồi cạnh ngài:
— Em gái nào đấy?
— Thưa Đức Giám Mục, đấy là một con nhện.
— Thế à, còn em kia?
— Một con dế.
— Và em này?