nào. Không ổn đâu, đất xê dịch, đất động đậy, người khiêng sẽ nhận thấy
điều đó. Bác Madeleine hiểu chứ, bọn phu nhận thấy được Chính Phủ cũng
sẽ nhận thấy.
Jean Valjean nhìn thẳng vào mắt lão và tưởng lão mê sảng. Lão lại nói:
— Bác ra cách đếch nào bây giờ? Mai là phải xong xuôi cả. Mai tôi phải
dẫn bác vào đây rồi. Mẹ Nhất chờ bác đấy.
Nói xong, ông cắt nghĩa cho Jean Valjean biết là được như thế, bởi vì ông
đã giúp Giáo Hội được một việc và người ta thưởng công cho ông ta: Là ông
cũng được dự phần chôn cất mẹ Crucifixion; là ông đóng áo quan và giúp
việc hạ huyệt. Còn mẹ Crucifixion qua đời sáng nay, theo yêu cầu của mẹ,
thì đặt trong quan tài riêng mà bà vẫn nằm và chôn ngay trong hầm mộ dưới
bàn thờ của nhà nguyện. Sở Cảnh Sát cấm ngặt việc này. Nhưng mẹ
Crucifixion thuộc loại nữ tu sĩ muốn gì cần phải được nấy. Mẹ Nhất và các
mẹ khác đều nhất định làm theo ý nguyện của người đã chết, còn thì mặc kệ
Chính Phủ. Lão Fauchelevent này sẽ đóng cái quan tài trong buồng riêng, rồi
mở nắp hầm mộ ra mà chôn dưới hầm. Mẹ Nhất đền ơn ông lão bằng cách,
cho người em lão và đứa cháu gái được ở trong nhà tu, ông làm vườn, cháu
đi học. Người em ấy, chính là ông Madeleine, đứa cháu gái là Cosette. Mẹ
Nhất bảo chiều mai phải dẫn hai người vào, sau cuộc đưa ma giả. Nhưng làm
thế nào để dẫn ông Madeleine vào được, khi ông Madeleine vẫn ở trong này.
Đấy là điều lúng túng thứ nhất; thứ hai là còn chiếc quan tài rỗng.
Jean Valjean hỏi:
— Cái quan tài rỗng là thế nào?
— Cái quan tài của Nhà Nước ấy mà.
— Quan tài nào? Nhà Nước nào?
— Có một mẹ chết. Người y sĩ thành phố đến khám và bảo có một mẹ
chết. Thế là Chính Phủ đưa một cái quan tài đến. Ngày hôm sau, Chính Phủ
lại đưa xe và phu đòn đến để đưa ra nghĩa trang. Phu đến, khiêng quan tài
lên, sẽ thấy nhẹ bỗng.
— Cứ nhét cái gì vào đấy.
— Một xác chết à? Tôi làm gì có.
— Không.
— Thế cái gì?