Điều đối với Jean Valjean thật giản dị thì Fauchelevent lại thấy dị thường.
Jean Valjean đã từng gặp nhiều khúc eo nguy hiểm hơn. Đã ở tù thì ai cũng
biết cái nghệ thuật tài tình là thu mình cho lọt tất cả những khe hở để mà trốn
thoát. Kẻ tù nhân bao giờ cũng mong vượt ngục, cũng như người ốm tất gặp
lúc lên cơn, một là sống hai là chết. Vượt ngục, tức là khỏi bệnh này. Muốn
khỏi bệnh thì làm gì chẳng phải làm? Để người ta đóng đinh lên quan tài
mình nằm, rồi để người ta khuân đi như khuân một kiện hàng, sống khá lâu
trong cái hòm kín mít, thở trong một nơi không có không khí, biết cách hà
tiện hơi thở hàng mấy giờ liền, biết cách chịu ngạt mà không chết; đấy là tất
cả tài nghệ não lòng của Jean Valjean. Nhưng một cái áo quan đựng một
người sống, mưu mẹo của một tù nhân khổ sai cũng là mưu mẹo của một vị
Hoàng Đế. Nếu tin lời Linh Mục Austin Castillejo, đây là cái mẹo của
Charles Quint dùng sau khi ông đã thoái vị để gặp lại một lần cuối cùng La
Plombes: Bằng cách ấy người ta đã đưa nàng kia vào trong tu viện Saint Just,
rồi lại đưa ra.
Fauchelevent đã hơi hoàn hồn, ông nói:
— Làm thế nào để thở được?
— Tôi thở được.
— Trong cái hòm ấy à? Tôi chỉ nghĩ đến cũng đủ chết ngạt rồi.
— Chắc là bác có mũi khoan; bác khoan cho tôi mấy lỗ nhỏ quanh chỗ
mồm và lúc đóng ván thiên, bác chớ đóng khít quá.
— Được, thế nhỡ bác ho hay hắt hơi thì sao?
— Đã đi trốn thì không ho, cũng không hắt hơi.
Jean Valjean lại nói thêm:
— Bác ạ, ta phải nhất quyết đi thôi, một là bị bắt ở đây hai là phải chui
vào xe tang mà ra.
Chắc ai cũng nhận thấy giống mèo ưa cái thú dừng lại quẩn quanh giữa
hai cánh cửa hé mở. Ai chả bảo con mèo thì mày vào đi. Người cũng vậy, có
những kẻ đứng trước một khó khăn vừa chợt tới thì cũng hay lưỡng lự giữa
hai thái độ, để đến nỗi có khi số mệnh chợt ấp xuống nghiền nát mình và kết
thúc sự kiện. Những kẻ quá thận trọng, mặc dù cẩn thận như mèo và chính vì
họ là mèo, đôi khi gặp nguy hiểm hơn là những kẻ táo bạo. Fauchelevent
thuộc vào hạng người hay lưỡng lự như thế. Nhưng dù sao, sự gan dạ của