chạy nhảy; cứ nghe nó cười là ông nhận ra ngay.
Bởi vì bây giờ Cosette đã cười rồi. Nét mặt nó cũng đổi khác, nó không ủ
ê như trước nữa. Tiếng cười cũng như mặt trời đuổi tan giá lạnh trên nét mặt
con người. Cosette không đẹp nhưng dễ thương biết mấy. Nó nói những điều
dễ nghe, giọng nó dịu dàng thơ ngây. Hết giờ chơi, Cosette về trường, Jean
Valjean nhìn cửa sổ lớp học; và ban đêm thì ông trở dậy nhìn cửa sổ buồng
ngủ.
Và Chúa cũng có đường lối của Chúa. Tu viện cũng như Cosette duy trì
và bổ sung trong lòng Jean Valjean tác dụng của Giám Mục Myriel. Có một
điều chắc chắn là con đường của đạo đức có một lối dẫn tới kiêu ngạo. Ở đây
có sẵn một chiếc cầu do quỷ dữ bắc. Jean Valjean, vô tình, có lẽ đang ở khá
gần cái lối này và cái cầu này khi trời xui khiến ông rơi vào tu viện Petit
Picpus. Khi trước, tự so sánh mình với người thường và lòng kiêu ngạo nảy
nở. Biết đâu đấy ông sẽ không dần dà trở về với lòng hằn thù. Tu viện đã giữ
ông lại trên cái dốc ấy. Đây là nơi cấm cố thứ hai mà ông thấy. Hồi tuổi thơ,
trong cái thời gian ông bước vào đời và về sau mới gần đây ông đã biết một
nơi cấm cố khác, kinh khủng, dễ sợ, với những kỷ luật khắc nghiệt mà ông
vẫn coi là những bất công của công lý và tội lỗi của luật pháp. Sau nhà tù
khổ sai, bây giờ ông gặp nhà tu kín. Nghĩ rằng ông đã trở thành một thành
viên của nhà tù khổ sai và bây giờ đang chứng kiến cảnh nhà tu kín, ông đối
chiếu hai nơi đó trong trí ông một cách tư lự hãi hùng.
Nhiều khi ông tựa vào cán mai, chìm đắm trong những uẩn khúc của mơ
mộng và không cùng. Ông nhớ lại những người bạn tù ngày xưa. Họ khốn
khổ quá chừng: Vừa mới tinh mơ đã dậy, làm đến tối mịt mới về. Người ta
có để cho họ chợp mắt được mấy chốc; ngủ thì ngủ trên mấy tấm phản, đệm
lót mỏng dính, kê trong những gian buồng trống trải, suốt năm chỉ đốt củi
vài tháng rét nhất. Áo thì áo choàng màu đỏ trông gớm ghiếc. Nhờ ân trên,
những ngày nóng nực, họ được mặc quần vải thô và những ngày đông tháng
giá, họ được khoác một cái áo kiểu áo phu xe bằng len. Chỉ những ngày đi
Nhà Thương mới được hớp rượu, miếng thịt vào miệng. Họ không có tên
nữa, cứ số mà gọi, họ hầu như chỉ còn là những con số. Họ sống, mắt nhìn
xuống, tiếng nói se sẽ, đầu trọc lóc, sống trong tủi thẹn, dưới đòn roi.
Thế rồi Jean Valjean nghĩ đến những người hiện đang sống ở nhà tu, ngay