đã phải chịu như vậy mà!” Năm 1815, bà Pontmercy, một người vợ đáng
phục về mọi mặt, cao quý hiếm có và rất xứng đáng với chồng, bà đó qua
đời để lại một đứa con trai nhỏ. Đứa nhỏ đó tất nhiên phải là nguồn hạnh
phúc của đại tá Pontmercy trong cảnh cô đơn, nhưng ông cụ ngoại nhất định
bắt đứa cháu và dọa tước hết quyền thừa kế của nó. Người cha đành phải
nhượng bộ vì quyền lợi của con; mất con, ông yêu hoa vậy. Ông đã thoát ly
cuộc đời, không hoạt động, không tham gia âm mưu chính trị nào. Ông chỉ
nghĩ đến những việc vô hại ông đang làm và những việc lớn ông đã làm.
Ngày này đến ngày khác ông chờ đợi một bông hoa cẩm chướng hoặc là hồi
tưởng trận Austerlitz.
Lão Gillenormand không hề đi lại với con rể. Đối với lão, đại tá
Pontmercy là một tên giặc cướp; đối với đại tá, lão là một anh già vô nghĩa
lý. Không bao giờ lão Gillenormand nhắc đến đại tá Pontmercy nếu không
phải là để chế giễu cái Nam Tước của ông. Lão đã giao ước với Pontmercy
là không bao giờ ông ta được gặp mặt con, nói chuyện với con, nếu không
thì đứa bé sẽ phải trao trả lại cha nó và bị tước quyền thừa kế. Đối với gia
đình lão Gillenormand, Pontmercy chẳng khác gì một thằng hủi. Họ muốn
nuôi dạy bé hoàn toàn theo ý họ. Đại tá Pontmercy có lẽ đã tính lầm khi nhận
những điều kiện ấy, những ông ta nhẫn nhục chỉ vì cho rằng làm như vậy là
phải và chỉ có ông là người hy sinh. Gia tài lão Gillenormand cũng chẳng là
mấy, nhưng gia tài của cô Gillenormand chị thì rất lớn. Người dì không có
chồng ấy có phần thừa kế rất lớn của bên ngoại, đứa cháu của người em bà
tự nhiên là người thừa kế của bà.
Đứa bé tên là Marius biết là mình có cha, nhưng chỉ biết thế thôi. Không
hề có ai nói chuyện với nó về cha nó. Nhưng ở những nơi ông nó thường dẫn
nó đến, những chuyện xì xào, to nhỏ, úp mở dần dần cũng làm cho đứa bé
hiểu lờ mờ và chịu sự thẩm lậu và xâm nhập của cái môi trường sống ấy của
nó, dần dần nó cũng thấy xấu hổ và đau xót khi nghĩ đến cha nó.
Đứa bé ngày càng lớn; trong thời gian ấy, đại tá Pontmercy cứ hai ba
tháng lại lên Paris, như một tội nhân lẩn trốn và đứng chờ ở cửa nhà thờ
Saint Sulpice đón bà dì Gillenormand dẫn cháu đi lễ. Đứng khuất sau một cái
cột, sợ bà dì quay lại trông thấy, ông nín thở, nhìn con. Người chiến sĩ mang
thương tật trên mặt ấy sợ mụ gái già.