Vì những chuyến đi ấy mà ông ta quen biết cha xứ Vernon tức là lão Viện
Trưởng Mabeuf. Ông Linh Mục đáng kính ấy là anh em của vị quản lý tài
sản của nhà thờ Saint Sulpice. Ông này đã nhiều lần bắt gặp người đàn ông
đứng nhìn đứa trẻ, ông đã để ý đến vết gươm chém trên má và giọt nước mắt
trong mi. Con người có vẻ đàn ông đàng hoàng ấy mà lại khóc như một mụ
đàn bà, đã làm cho ông Linh Mục chú ý đặc biệt. Hình ảnh con người ấy in
sâu trong trí ông. Một hôm Vernon ra thăm em, ông ta gặp đại tá Pontmercy
và nhận ra người đứng ở nhà thờ Saint Sulpice. Ông ta nói chuyện với em và
cả hai người mượn một cớ nào đó đến thăm đại tá. Thăm một lần rồi lân la
nhiều bận khác; đại tá Pontmercy lúc đầu còn giữ ý, sau cởi mở lòng mình
và hai anh em ông Linh Mục đã hiểu hết chuyện đại tá Pontmercy và biết đại
tá hy sinh hạnh phúc của mình để bảo đảm tương lai của con như thế nào.
Cha xứ vì vậy mến phục ông và ông đại tá cũng quý mến vị cha xứ. Một
Linh Mục già và một quân nhân già, khi họ đều chân thành và hiền hậu, thì
họ hiểu nhau và hòa cảm với nhau không ai bằng. Vả lại ấy cũng chỉ như là
một người thôi: Một người hy sinh cho Tổ Quốc hạ giới, một người cho Tổ
Quốc thiên đình, cũng chẳng khác gì nhau.
Một năm hai lần, ngày 1 tháng giêng và ngày Saint Georges, Marius viết
chiếu lệ những bức thư cho cha, những bức thư do cô Gillenormand đọc cho
viết, như những bức thư mẫu trong tập thư từ. Lão Gillenormand chỉ cho
phép viết thế thôi. Trái lại người cha viết trả lời cho con những bức thư thật
âu yếm mà lão Gillenormand vò bỏ vào túi, không đọc.