IV
NGÀY CUỐI CÙNG CỦA “TÊN GIẶC CƯỚP"
Khi Marius học xong trung học thì lão Gillenormand cũng không lui tới ở
xã hội thượng lưu nữa. Lão rời bỏ khu ngoại thành Saint Germain và phòng
khách của bà Nam Tước T. đến khu Marais, trong căn nhà phố Filles Du
Calvaire. Gia nhân của lão, ngoài người gác cổng, có mụ hầu buồng
Nicolette, vào thế chân cho mụ Magnon và lão Basque thở hổn hển, nặng nề
đã nói đến trên kia.
Năm 1827, Marius vừa mười bảy tuổi. Một buổi chiều về nhà, anh thấy
lão Gillenormand tay cầm một bức thư:
— Marius, ngày mai cháu đi Vernon.
— Có việc gì ạ?
— Gặp cha cháu.
Marius rùng mình. Anh có thể chờ đợi mọi việc nhưng có việc này anh
không ngờ, là phải gặp cha anh. Không có gì đột ngột, bất ngờ và nói trắng
ra khó chịu đến như việc ấy. Muốn xa mà phải gần. Không phải chỉ là một
điều buồn bực, thật là một việc khổ dịch. Ngoài mâu thuẫn về xu hướng
chính trị, Marius còn tin chắc rằng, cha anh, mà lão Gillenormand khi hiền
dịu gọi là tay đao phủ, không yêu anh; chắc chắn như thế, vì nếu có chút tình
cha con thì hắn đã chẳng bỏ con cho người khác như vậy. Thấy cha không
yêu anh, anh cũng không yêu cha, anh nghĩ cũng chẳng có gì lạ.
Marius kinh ngạc đến nỗi không hỏi gì được nữa. Lão Gillenormand nói
thêm:
— Hình như hắn ốm. Hắn muốn gặp cháu.
Yên lặng một lát, lão tiếp:
— Sáng mai đi sớm. Hình như ở Fontaines có xe khởi hành lúc sáu giờ
sáng, chiều tới nơi. Đi ngay chuyến ấy. Hắn bảo là kíp lắm.
Rồi lão vò nát lá thư và nhét vào túi. Marius có thể đi ngay tối hôm ấy và
sáng sớm hôm sau có thể tới gặp cha. Một chiếc xe ngựa ở phố Bouloi hồi ấy
thường đi Rouen ban đêm và qua Vernon. Cả lão Gillenormand, cả Marius
không ai nghĩ đến, hỏi xem chuyến xe ấy.