bạc, hai cánh tay cứng cỏi chằng chịt những vết xám là những vết gươm
chém và những chấm đỏ như ngôi sao là những vết đạn. Anh nhìn cái vết
gươm ghê gớm chém ngang mặt, làm cho cái diện mạo trời sinh hiền từ ấy
có một vẻ anh dũng lạ thường. Anh nghĩ rằng người ấy là cha anh và người
ấy đã chết, nhưng anh vẫn lạnh lùng. Anh cũng thấy buồn, nhưng cái buồn
khi đứng trước bất cứ một người chết nào.
Một vẻ tang tóc xót xa bàng bạc cả gian phòng. Người ở gái rên rỉ ở một
góc, cha xứ cầu nguyện, người ta nghe thấy tiếng ông thổn thức, thầy thuốc
lau mắt. Cả cái xác chết cũng khóc.
Ông thầy thuốc, vị Linh Mục và người ở gái nhìn Marius qua mối buồn
của họ và không nói lời nào. Anh ta mới là người lạ. Marius thẹn thùng, lúng
túng vì thấy mình lạnh nhạt. Tay anh cầm mũ, anh để cho chiếc mũ rơi
xuống đất, làm như anh cảm động không cầm được nữa. Lúc ấy anh thấy hối
hận và tự thấy mình đáng khinh. Nhưng có phải lỗi tại anh đâu. Anh không
yêu cha anh thì biết làm thế nào.
Đại tá Pontmercy không để lại cái gì. Đồ đạc trong nhà bán đi chỉ vừa đủ
chi tiêu vào đám tang. Người ở gái tìm thấy một mảnh giấy đem giao cho
Marius.
Chính tay đại tá Pontmercy đã viết:
«“Gửi cho con tôi!
Hoàng Đế đã phong tước nam cho ta trên chiến trường
Waterloo. Vì chính quyền Phục Hưng không nhận cái tước vị mà ta
đã trả bằng máu của ta, con ta sẽ thừa hưởng và mang cái chức
tước ấy. Chắc hẳn là con ta sẽ xứng đáng…”»
Mặt sau, đại tá ghi thêm:
«“Cũng ở trận Waterloo này một viên đội đã cứu sống ta. Viên đội ấy tên
là Thénardier. Gần đây hình như ông ta mở một quán ăn nhỏ trong một xóm
gần Paris, ở Chelles hay ở Montfermeil. Nếu con ta gặp ông ấy thì sẽ hết sức
giúp đỡ ông ta”.»
Không phải vì kính trọng cha, nhưng vì sự kính cẩn trước cái chết, rất tự
nhiên và mạnh mẽ trong lòng người, Marius cầm mảnh giấy và cất đi.
Chẳng còn dấu vết gì của đại tá Pontmercy. Lão Gillenormand bán cho