V
ĐI LỄ NHÀ THỜ LẠI CÓ LỢI ĐỂ THÀNH NGƯỜI
CÁCH MẠNG
Marius vẫn giữ những thói quen tín ngưỡng như thuở nhỏ. Một ngày chủ
nhật nọ, anh đến nghe giảng kinh ở nhà thờ Saint Sulpice trước bàn thờ Đức
Mẹ, nơi dì anh xưa vẫn thường dắt anh đến. Marius hôm ấy vơ vẩn đãng trí
hơn mọi ngày, anh đến quỳ đằng sau một cái cột, trên một chiếc ghế bọc
nhung lưng ghế có ghi: “Ông Mabeuf, sự lý giáo hội".
Buổi giảng kinh vừa bắt đầu thì một ông già đến, nói với Marius:
— Thưa ông, chỗ này của tôi.
Marius vội vàng lùi ra, ông già quỳ xuống ghế.
Buổi giảng kinh xong, thấy Marius vẫn đứng nghĩ ngợi thẩn thờ ở cách
mấy bước, ông lại gần nói:
— Tôi xin lỗi đã làm phiền ông lúc nãy và còn làm phiền ông bây giờ
nữa, chắc ông cũng cho tôi là nhiễu sự, tôi phải nói để ông rõ.
— Thưa ông, không cần thiết ạ.
— Cần lắm chứ! Tôi không muốn ông hiểu lầm tôi. Ông xem, tôi quý cái
chỗ này. Hình như quỳ trên ghế ấy thì nghe giảng kinh thấm thía hơn. Vì
sao? Tôi sẽ nói chuyện ông rõ. Chính ở chỗ này, trong bao nhiêu năm, cứ hai
ba tháng một lần, tôi đã thấy một người cha đáng quý đến chờ để nhìn thấy
đứa con mình, đứa con mà ông ta không có cách nào gặp được, không có lúc
nào khác gặp được, vì những sự thu xếp gia đình thế nào đấy đã cấm đoán
ông ta. Ông ta đến lúc mà người ta đưa con ông đi về. Đứa trẻ không ngờ có
cha nó ở đấy, có lẽ đứa bé ngây thơ đó cũng không biết nó có một người cha
nữa! Người cha đứng khuất đằng sau cột để người ta khỏi trông thấy. Ông ta
đứng nhìn đứa con và khóc. Ông ta yêu quý đứa trẻ quá, tội nghiệp! Tôi đã
trông thấy thế, nên cái chỗ này là một chỗ quý báu đối với tôi, tôi đã quen
xem lễ ở chỗ này. Tôi thích chỗ này hơn chỗ ghế chính thức mà tôi có quyền
giữ với tư cách là sự lý. Tôi cũng đã quen chút ít người cha đau khổ ấy. Ông
ta có một người bố vợ, một bà cô già giàu có, cũng gọi là họ hàng, nhưng họ