Nhưng anh chẳng quen thuộc ai, chẳng có thể đưa cho bất cứ người gác cổng
nào nên anh đành bỏ những tấm danh thiếp ấy vào trong túi.
Một kết quả khác cũng tất nhiên là anh càng gần cha, càng gần những
điều mà vì đó cha anh đã chiến đấu hai mươi lăm năm, anh lại càng xa ông
anh. Chúng ta đã biết từ trước tính tình của lão Gillenormand không hợp với
anh. Có những lủng củng giữa một thanh niên nghiêm nghị và một ông già
phất phơ. Cái vui nhộn của Géronte làm chướng tai gai mắt cái u buồn của
Werther.
Khi còn chung xu hướng chính trị, chung tư tưởng, Marius
cùng lão Gillenormand gặp nhau như cùng đi trên một cái cầu. Khi cái cầu
đó đổ, vực thẳm ngăn cách hai người. Thêm vào đấy Marius hết sức căm
phẫn khi nghĩ rằng chính lão Gillenormand đã vì những lý do ngu xuẩn dứt
tình cha con anh, làm cho cha mất con, con mất cha.
Kính yêu cha quá, anh dần dần đi đến chỗ gần như căm ghét ông. Nhưng
bề ngoài vẫn không ai thấy gì. Marius chỉ càng ngày càng thêm lạ lùng. Bữa
ăn thì ít nói, ngoài hai bữa ăn ít khi ở nhà. Khi dì anh trách anh, anh trả lời
dịu dàng và viện cớ bận học, đi nghe giảng, học thi, nghe thuyết trình… Ông
anh thì vẫn đinh ninh chẩn đoán: “Mê gái, ta biết tỏng rồi".
Thỉnh thoảng Marius lại đi vắng.
“Nó đi đâu thế nhỉ?" - Bà dì thắc mắc như vậy.
Một lần, cũng trong một cuộc đi vắng ngắn ngày như vậy, theo lời trối
của cha anh, anh đến Montfermeil tìm người đội Waterloo tức là người chủ
quán Thénardier. Nhưng Thénardier vỡ nợ, hàng quán đóng cửa, không ai
biết vết tích hắn ở đâu nữa. Lần đi tìm Thénardier ấy, Marius vắng nhà bốn
hôm.
Ông già Gillenormand bảo:
— Thằng bé chịu khó chạy thật!
Ở nhà cũng thấy hình như anh đeo trên ngực, bên trong áo chemise một
vật nhỏ gì buộc vào một sợi băng đen.