XI
MỘT ĐIỂM GIỚI HẠN
Từ đó, nếu kết luận rằng Đức Cha Bienvenu là “Một ông Giám Mục triết
gia” hay là “Một cụ xứ yêu nước” thì có nguy cơ sai lầm. Cuộc gặp mặt, hay
hầu như có thể nói việc giao tiếp giữa ông với Nhà Cách Mạng G., đã để lại
cho ông một sự ngạc nhiên khiến ông càng hiền lành hơn. Thế thôi. Ông
Giám Mục chẳng hề là một chính khách. Nhưng ở đây có lẽ cũng nên nói
qua ít lời về thái độ của ông trong các biến cố hồi bấy giờ, cứ giả định rằng
có lúc ông nghĩ phải nên có một thái độ.
Hãy lùi lại mấy năm về trước.
Một thời gian sau khi ông Myriel được nhắc lên chức Giám Mục, Hoàng
Đế phong cho ông tước Nam của Đế Chế, một lần cùng với nhiều Giám Mục
khác. Mọi người biết, Giáo Hoàng bị bắt giam tối ngày 5 rạng ngày 6 tháng
7 năm 1809; nhân dịp ấy ông Myriel được Napoléon mời dự hội nghị các
Giám Mục hai nước Pháp và Ý triệu tập ở Paris. Hội nghị mở tại nhà thờ
Đức Bà và họp lần đầu tiên ngày 15 tháng 6 năm 1811 dưới quyền chủ tọa
của Đức Giáo Chủ Fesch. Ông Myriel là một trong chín mươi lăm Giám
Mục đã đến dự. Nhưng ông chỉ dự một phiên họp toàn thể và ba bốn cuộc
họp chuyên đề. Vốn là Giám Mục một địa phận núi non, gần gũi thiên nhiên,
quen sống quê mùa và nghèo khó, hình như ông đã đem đến giữa những
nhân vật thương lưu kia nhiều ý nghĩ làm thay đổi thời tiết của hội nghị.
Không mấy ngày sau ông đã trở về Digne. Có người hỏi vì sao ông về sớm
thế, ông đáp:
— Có tôi phiền cho các ngài ấy. Không khí bên ngoài theo tôi và đến với
các ngài. Tôi có vẻ như một cái cửa mới.
Một lần khác ông nói:
— Tôi chịu thôi, các ông lớn ấy là những ông hoàng, còn tôi, tôi chỉ là
một anh Giám Mục nông dân hèn hạ.
Sự thật là người ta không thích ông. Ngoài những chuyện kỳ dị khác, hình
như có một tối ở nhà một đồng nghiệp tiếng tăm, ông đã buột mồm kêu lên:
— Đồng hồ đẹp quá! Thảm lót đẹp quá! Kẻ hầu người hạ đồng phục đẹp