quá! Sao mà chói mắt thế! Chao ôi! Ước gì những thứ thừa thãi kia khỏi
nheo nhéo mãi bên tai: Còn có bao nhiêu người chịu đói! Còn có bao nhiêu
người chịu rét! Còn biết bao kẻ khó! Biết bao kẻ khó!
Xin nói qua là thù ghét sang trọng không phải là một sự thù ghét thông
minh. Vì thù ghét như thế hàm ý là thù ghét nghệ thuật. Tuy nhiên, đối với
kẻ tu hành, ngoài sự tiếp khách và các lễ lạc, thì sa hoa là sai lầm. Dường
như nó phơi bày ra những thói quen ít thật sự thương người. Là cố đạo mà
giàu sang thì ngược đời. Nhà tu hành phải ở bên cạnh kẻ khó. Có thể nào gần
gũi mãi cả ngày lẫn đêm, tất cả mọi nguy khốn, mọi bất hạnh, mọi sự nghèo
hèn, mà không dính trên mình một tí gì của cái khốn khổ thiêng liêng kia
như bụi đất của lao động được chăng? Có ai hình dung được một người đứng
cạnh bếp lửa mà không thấy nóng? Có ai hình dung được một người thợ luôn
luôn làm việc bên lò than, mà không hề có lấy một sợi tóc sém, một móng
tay dính bụi, một giọt mồ hôi, tí tro trên mặt? Một cố đạo, nhất là một ông
Giám Mục mà thương người thì bằng chứng thứ nhất là ông ta nghèo. Đó có
lẽ là cách suy nghĩ của ông Giám Mục.
Xin đừng nghĩ rằng ông ta tán thành ở một số khía cạnh tinh vi, cái mà
chúng ta gọi là “tư tưởng của thời đại”. Ông ít xen vào các cuộc tranh cãi về
giáo lý thời bấy giờ và không phát biểu ý kiến gì về các vấn đề mà Nhà Thờ
và Nhà Nước đang dính vào; nhưng giá thúc ép lắm thì lại hình như sẽ thấy
ông là người theo Giáo Hội La Mã hơn là người theo Giáo Hội Pháp. Chúng
tôi đang mô tả người ông và không muốn giấu một cái gì cả, nên chúng tôi
đành nói thêm rằng, đối với Napoléon lúc suy, ông tỏ ra lãnh đạm. Bắt đầu
từ 1813, ông tham gia hoặc tán thành tất cả các biểu hiện phản đối. Lúc
Hoàng Đế từ đảo Elbe trở về, ông từ chối không ra bệ kiến khi người ta đi
ngang qua vùng và trong thời kỳ “Bách Nhật”, ông không ra lệnh cầu kinh
cho Hoàng Đế trong địa phận mình.
Ngoài cô Baptistine là em gái ra, ông còn hai người em nữa: Một làm
tướng, một là Tỉnh Trưởng. Ông thường hay viết thư cho cả hai. Với người
thứ nhất: Một độ ông tỏ ra nghiêm khắc. Lý do là vì ông em này nhân có
nắm quyền chỉ huy ở Provence vào lúc Napoléon đổ bộ lên Cannes, đã dẫn
một đạo quân một nghìn hai trăm người đuổi theo Hoàng Đế theo lối đuổi để
cho người ta thoát. Trong thư từ gửi cho ông em kia, ông tỏ ra thân yêu hơn,