Vào khoảng năm 1831, Victor Hugo đã ưa chuộng, tôn sùng Napoléon,
ông đã cho xuất hiện tập thơ "À La Colonne" (Xếp Hàng) và "Lui" (Người),
nhưng việc giới hạn tự do báo chí của Vua Charles X và các cách kiểm duyệt
của chính quyền thời đó lại khiến cho Victor Hugo hướng về lý tưởng tự do,
sự kiện này đã khiến ông gặp gỡ các nhà văn cấp tiến của tờ báo Le Globe
(Địa Cầu). Vở kịch "Marion De Lorme" (1829) của ông đã bị cấm trình diễn
trên sân khấu vì hình ảnh của nhà vua đã không được trình bày thuận lợi.
Victor Hugo đã phản đối các cấm đoán, các giới hạn bằng vở kịch lịch sử
"Trận Chiến Hernani", lần đầu tiên trình diễn vào ngày 25-2-1830. Ông viết
vở kịch Hernani này, dùng tới miền đất Tây Ban Nha làm địa bàn với các
đặc tính trung cổ, bí ẩn và độc đáo. Vở kịch "Hernani" hầu như đã vi phạm
tất cả các quy luật cổ điển của Racine và Corneille. Ngay từ đầu, vở kịch
"Hernani" đã bị những người theo trường phái Cổ Điển la ó, phản đối, và
Théophile Gautier là một nhà văn nổi danh thời đó đã phải ghi nhận rằng cả
hai trường phái đã đối nghịch nhau trong các cuộc tranh luận văn chương.
Vở kịch "Hernani" đã được trình diễn 45 lần, một thành công đáng kể đối
với thời bấy giờ và cuối cùng, các nhà văn cổ điển đã phải chịu thua. Victor
Hugo được ca ngợi là người đã giết chết “con rồng cổ điển" và trường phái
Lãng Mạn đã toàn thắng về mọi mặt. Victor Hugo trở thành nhà lãnh đạo của
phong trào Văn Chương Lãng Mạn của nước Pháp. Vở kịch "Hernani" về
sau được Giuseppe Verdi, nhà soạn nhạc người Ý, dựa theo đó mà sáng tác
ra nhạc kịch Ernani vào năm 1844.
Giai đoạn sáng tác phong phú nhất của Victor Hugo là các năm từ 1829
tới 1843. Năm 1831, cuốn truyện "Nhà Thờ Đức Bà Paris" (Notre Dame de
Paris, dịch sang tiếng Anh là The Hunchback of Notre Dame, Thằng Gù Nhà
Thờ Đức Bà) là một tiểu thuyết lịch sử, đề cập tới đời sống dưới thời Vua
Louis XI. Cuốn truyện đã lên án xã hội, đã chồng chất các đau khổ lên đầu
các nạn nhân như anh gù Quasidomo và người con gái "gypsy" tên là
Esmeralda. Cuốn tiểu thuyết này đã làm xúc động lương tâm của quần chúng
hơn là cuốn truyện đã được xuất bản khi trước, với tên là "Ngày Cuối Cùng
Của Một Tử Tội" (Le Dernier Jour d'un condamné, 1829) qua đó Victor
Hugo đã phản kháng án tử hình.
Cuốn truyện "Nhà Thờ Đức Bà Paris" đã được dịch sang nhiều ngôn ngữ