III
MARIUS TRƯỞNG THÀNH
Bấy giờ Marius hai mươi tuổi. Anh đã xa rời ông anh ba năm. Quan hệ
giữa hai người không có gì thay đổi, không ai nghĩ đến chuyện hòa hợp, đến
chuyện tìm gặp nhau. Vả lại gặp nhau để làm gì? Để rồi lại xung đột hay
sao? Ai sẽ thắng ai? Marius là cái lọ đồng, nhưng lão Gillenormand là cái
bình sắt.
Nhưng phải nói là Marius không hiểu lòng ông anh. Anh cho rằng ông
anh chưa bao giờ yêu anh, cái con người cộc lốc, phũ phàng, cười cợt, luôn
mồm văng tục, la hét, giận dữ, luôn luôn giơ gậy chực đánh người ta, chỉ có
thể có cái cảm tình hời hợt và khắc khổ của những lão Géronte hài kịch.
Nhưng Marius lầm. Có những người cha không yêu con, không có người
ông nào không yêu cháu.
Thực ra, như chúng tôi đã nói, lão Gillenormand yêu say mê Marius
nhưng yêu theo cái lối của lão: Vừa yêu vừa mắng mỏ, có khi đánh đập nữa.
Đứa cháu đi mất, lão thấy trong lòng một lỗ hổng tối đen. Lão cấm không ai
được nói đến thằng cháu ấy, nhưng lão lại tiếc là mọi người tuân lệnh lão
triệt để quá. Lúc đầu lão nghĩ rằng cái thằng tín đồ của Buonaparte ấy, cái
thằng Jacobins, cái thằng khủng bố, cái thằng “sát nhân tháng chín" ấy sẽ trở
lại. Nhưng hết tuần này đến tuần khác, hết tháng này đến tháng khác, hết
năm này đến năm khác, lão Gillenormand thất vọng thấy cái thằng khát máu
không trở về. Lão bảo: “Ta cũng không thể nào không đuổi nó đi được” và
lão tự hỏi: “Nếu phải làm lại như thế, ta có đuổi nó nữa không?” Lòng tự ái
bảo ngay lão: Đuổi; nhưng cái đầu bạc phơ của lão lắc bảo: Không. Nhiều
lúc lão thấy chán nản. Lão thiếu Marius. Người già cần sự trìu mến quấn quít
như cần ánh nắng. Sự trìu mến cũng nóng ấm. Mặc dầu bản chất lão vững
chãi, sự vắng mặt của Marius cũng làm lão thay đổi trong người. Lão thề
nhất định không tự mình dịch đến cái “thằng nhãi kỳ quặc” ấy, nhưng lão
đau khổ. Lão không hỏi thăm tin tức cháu, nhưng lão luôn nghĩ đến cháu.
Càng ngày lão càng sống riêng lẻ, xa mọi người, trong cái nhà ở xóm
Marais. Lão vẫn vui tính và vẫn cộc cằn như xưa, nhưng cái vui của lão có