chút nào, làm như thể là mình không được tự do đau khổ, tự do
chết đói. Số mệnh đối với một số người thì quá tàn nhẫn, đối với
những người khác lại quá dễ dãi, luôn luôn phù trợ.
Chúng tôi chờ mong cụ đến đằng nhà chúng tôi hoặc được ít tiền
giúp đỡ. Xin kính chào cụ, một bậc chượng phu đại lượng.
Người đội ơn cụ: P. Fabantou, nghệ sĩ sân khấu”.»
Đọc bốn bức thư xong, Marius vẫn không hiểu gì thêm.
Trước hết, những người ký tên đều không đề địa chỉ. Sau là hình như bốn
bức thư do bốn người viết khác nhau: Nhà quý tộc Alvarès, bà Balizard, thi
sĩ Genflot và nghệ sĩ Fabantou, nhưng có cái lạ là cũng một thứ chữ. Chắc
chắn là một người viết, không thể khác được. Vả cứ xem cùng một thứ giấy
xấu, ngả vàng, cùng một mùi thuốc lá và dù người viết có cố gắng thay đổi
giọng văn, nhưng cũng những lỗi chính tả giống nhau, cứ đàng hoàng lặp lại
trong bức thư của nhà văn Genflot cũng như của viên đại úy Tây Ban Nha,
thì lời ức đoán trên càng có phần đúng.
Cố sức mà đoán cái việc bí mật nhỏ nhặt này cũng chẳng ích lợi gì. Nếu
không phải là vật tìm thấy thì hẳn là một trò đùa nhạo. Marius buồn quá
chẳng thấy thú vị gì với cái trò chơi hú họa ấy; chàng tưởng như vỉa hè ngoài
phố bày đặt ra cái trò ấy để giễu cợt chàng. Chàng lúng túng với bốn bức thư
như đang cười cợt chàng. Chẳng có gì tỏ rằng những bức thư kia là của hai
cô con gái gặp ở phố. Dù sao, những bức thư ấy cũng chỉ là những tờ giấy
lộn, chẳng có chút giá trị gì. Marius để cả vào phong bì, vứt vào một xó rồi
đi nằm.
Khoảng bảy giờ sáng hôm sau, chàng vừa dậy, ăn sáng xong, định thử
làm việc thì có tiếng gõ cửa nhè nhẹ. Nhà chẳng có gì nên chìa khóa bao giờ
cũng móc ở ổ khóa. Họa hoằn một vài khi bận việc khẩn cấp lắm, chàng mới
khóa cửa. Ngay những lúc chàng đi vắng, chìa khóa vẫn nằm yên ở cửa. Bà
Bougon vẫn bảo chàng:
— Rồi ông đến mất cắp thôi.
Marius trả lời:
— Mất cái gì?
Ấy thế mà một hôm Marius mất một đôi giày cũ, bà Bougon ra vẻ đắc chí
lắm.