nghề ư? Vâng! Thưa ngài! Một cái nghề, một nghề thông thường để kiếm ăn
thôi. Thưa ân nhân, thật là xuống dốc, nếu nghĩ lại ngày xưa, thời vinh quang
ngày xưa. Thật là hết, không còn gì cả. Chỉ còn một vật, một vật duy nhất
mà tôi không thể nào rời được, nhưng rồi cũng vẫn phải rời ra để sống. Để
sống, vâng, phải sống chứ!
Jondrette vẫn nói, lời thì lộn xộn nhưng vẻ mặt vẫn là của người suy nghĩ
tinh tường. Trong khi ấy Marius ngẩng đầu lên bỗng thấy ở cuối buồng một
người lạ mà chàng chưa trông thấy, một người vừa vào, rất nhẹ nhàng,
không ai nghe thấy tiếng mở cửa. Người ấy mặc một cái áo gilet đan màu
tím đã cũ, rách, bẩn, một cái quần dài lụng thụng bằng vải nhung, đi đôi giày
vải đế gỗ, không có chemise, cổ trần, cánh tay trần đầy vết chạm trổ, mặt bôi
đen. Hắn khoanh tay yên lặng ngồi xuống chiếc giường gần nhất, ở phía sau
mụ Jondrette nên người ta chỉ trông thấy hắn lờ mờ.
Như có một linh tính hướng dẫn cặp mắt, ông Leblanc cũng quay lại nhìn
cùng một lúc với Marius. Ông không kiềm chế được sự ngạc nhiên. Jondrette
nhác thấy vội nói:
— À! Tôi hiểu, ngài nhìn cái áo khoác của ngài, phải rồi. Cái áo của ngài
tôi mặc vừa, vừa lắm.
Hắn vừa cài khuya áo vừa nói câu ấy, giọng rất niềm nở.
— Người nào đó? - Ông Leblanc hỏi.
— Người ấy ạ? Một người láng giềng - Jondrette đáp. - Xin ngài đừng để
ý.
Người láng giềng dáng dấp thật kỳ dị. Tuy nhiên, ở vùng ngoại ô Saint
Marceau có nhiều xưởng hóa chất, thợ thuyền ở đấy thì mặt mũi có khi cũng
nhọ nhem như thế. Ông Leblanc thì vẫn bình tĩnh và tin cậy, một lòng tin cậy
trong trắng và dũng cảm. Ông nói tiếp:
— Xin lỗi, ông Fabantou, ông đang nói về gì nhỉ?
Jondrette chống khuỷu tay trên bàn, mắt nhìn ông Leblanc, cặp mắt đăm
đăm và mơn trớn như mắt con trăn. Hắn trả lời:
— Thưa ngài ân nhân kính mến, tôi đang nói là tôi có một bức họa muốn
bán đi.
Một tiếng động nhẹ ở phía cửa. Một người đàn ông thứ hai vừa vào và
ngồi xuống giường, phía sau mụ Jondrette. Cũng như người trước, tay trần