gian buồng. Bên tay trái ông, ở phía cửa sổ là Jondrette, bên tay phải, phía
cửa buồng là mụ Jondrette và bốn người đàn ông kia. Bốn người này vẫn
ngồi yên, không nhúc nhích như không nhìn thấy ông nữa, Jondrette lại tiếp
tục than thở, kêu van, mắt lờ đờ, giọng thảm hại: Ông Leblanc tưởng như
đang nghe một người nghèo khổ quá hóa điên. Jondrette nói:
— Thưa ngài ân nhân quý mến, tôi không còn gì nữa, nếu ngài không
mua giúp cho bức họa này, thì tôi chỉ có đâm đầu xuống sông mà chết. Tôi
cũng đã định cho các cháu bé học làm giấy bồi, giấy bồi đẹp để gấp hộp
đựng quà tết nhất. Như vậy phải có một cái bàn có nẹp đàng cuối, cho dụng
cụ thủy tinh khỏi rơi, một cái lò đặc biệt, một cái lọ có ba khoang để đựng ba
thứ keo đặc, loãng khác nhau để dán gỗ, dán giấy hay dán vải, một con dao
để xén giấy, một cái khuôn để gấp giấy, một cái búa để đóng những mảnh
thép, một cái bút lông để phết keo và còn những thứ quái quỷ gì nữa tôi
chẳng nhớ. Tất cả những cái đó để một ngày chỉ kiếm được bốn xu. Và phải
làm việc mười bốn tiếng. Và mỗi hộp phải qua bàn tay thợ mười ba lần. Lại
nhúng giấy như thế nào! Rồi giữ cho không một vết bẩn. Rồi keo cần phải
nóng. Quái quỷ như thế đấy ông biết cho. Để được bốn xu mỗi ngày. Ngài
tính bốn xu thì sống làm sao?
Jondrette nói mà không nhìn ông Leblanc, còn ông thì đang chăm chú
nhìn Jondrette, mắt Jondrette lại nhìn ra phía cửa buồng. Marius thì hồi hộp
hết nhìn ông Leblanc lại nhìn Jondrette. Ông Leblanc có lẽ nghĩ: Hắn ngớ
ngẩn hay sao? Jondrette thì lải nhải hai ba lần, kêu van hết giọng này thay
giọng khác:
— Tôi chỉ còn đâm đầu xuống sông. Hôm nọ tôi đã bước xuống ba bậc
dưới chân cầu Austerlitz.
Bỗng nhiên con mắt lờ mờ của hắn sáng chói lên một tia sáng ghê rợn, cái
thằng người bé nhỏ ấy đứng thẳng lên kinh khủng, tiến một bước về phía
ông Leblanc và thét lên như sấm:
— Cái chính phải đâu là những chuyện ấy! Đã nhận ra chưa?