— Chẳng có ma nào! Phố Saint Dominique số 17, không có ai là Urbain
Fabre. Chẳng ai biết hắn là người nào.
Mụ ngừng lại, nghẹt thở, xong lại nói:
— Ông Thénardier ơi! Thằng già này đánh lừa mình. Mình tử tế quá,
mình thấy không? Tôi thì tôi hãy bắt đầu rạch cái mồm nó ra làm bốn và nếu
nó còn giở trò, tôi sẽ nướng sống nó. Nó thế nào cũng phải nói, nói con gái
nó ở đâu, đống vàng của nó ở đâu. Đấy, tôi thì tôi làm như thế đấy. Người ta
bảo đàn ông ngu hơn đàn bà cũng phải. Chẳng có ông Fabre nào, phố Saint
Dominique, thế là lại ba chân bốn cẳng trở về, rồi lại tiền thưởng cho thằng
đánh xe và tất cả! Tôi hỏi vợ chồng người gác cổng, mụ vợ là một người đàn
bà đẹp đồ sộ, họ chẳng biết cái ngữ ấy.
Marius thở phào. Nàng, Ursule hay Sơn Ca, chàng không biết gọi là gì
nữa, nàng đã thoát nạn. Trong khi mụ vợ phẫn nộ la hét om sòm, Thénardier
ngồi lên trên bàn, hắn ngồi một lát không nói năng gì, lắc lư cái cẳng chân
phải buông thõng, mơ màng, dữ tợn nhìn cái lò than.
Sau cùng hắn nói với người tù, giọng chậm rãi nhưng hung dữ vô cùng:
— Địa chỉ giả! Đưa địa chỉ giả, mày mong muốn cái gì?
Người tù thét lên, giọng sang sảng:
— Tranh thủ thời gian.
Vừa nói ông vừa hất rơi những dây trói. Dây trói đã bị cắt đứt. Người tù
chỉ còn một chân bị trói vào trụ giường.
Bảy tên kẻ cướp chưa kịp nhận ra và xông tới thì ông đã cúi xuống bệ
sưởi, giơ tay về phía lò than, rồi lại nhổm dậy. Và bây giờ cả bọn người:
Thénardier, mụ vợ và mấy thằng kẻ cướp kia sửng sốt lùi về phía cuối
buồng, kinh hoàng nhìn ông giơ trên đầu cái đục đỏ sáng rực, ghê rợn. Ông
già hầu như hoàn toàn tự do đứng trước mặt chúng, oai hùng ghê gớm.
Trong cuộc điều tra tư pháp tiến hành về vụ gài bẫy ở nhà nát Gorbeau,
cảnh sát tìm thấy một đồng xu lớn cắt và mài một cách khéo léo lạ lùng,
đồng xu ấy là một trong những kỹ xảo mà những người phạm nhân kiên trì
của nhà lao đã sản xuất trong bóng tối để dùng trong bóng tối. Đó là những
dụng cụ để vượt ngục. Những sản phẩm ghê tởm và tinh vi của một nghệ
thuật kỳ diệu trong nghề kim hoàn, cũng giống như những ẩn dụ của tiếng
lóng ở trong thơ ca. Có những “Benvenuto Cellini” trong nhà tù khổ sai,