đúc đạn". Thỉnh thoảng có những người “ăn bận đẹp đẽ như bọn tư sản”, đến
đây “làm bộ làm tịch”, ra vẻ “chỉ huy”, bắt tay những nhân vật quan trọng
nhất rồi bỏ đi. Không mấy khi họ ở quá mười phút. Người ta trao đổi những
câu chuyện đầy ý nghĩa: “Mật kế đã muồi, công việc đầy đủ". Tất cả đều nói
nhặng xị lên như thế, đó là lời một nhân chứng. Người ta hăng đến nỗi, một
hôm, đương ở giữa quán ăn, một người thợ kêu to: “Chúng ta không có vũ
khí". Thì một người bạn đáp ngay: “Vũ khí ở trong tay binh lính ấy". Câu
đáp đã vô tình nhại câu của Bonaparte tuyên bố với quân đội viễn chinh
Pháp sang đánh Ý. Một bản báo cáo của nhà chức trách, sau khi tường trình
sự việc, nói thêm: “Khi có điều gì bí mật hơn thế thì họ không đem ra nói
với nhau ở đấy”. Người ta không hiểu họ còn giữ bí mật điều gì nữa khi đã
nói toạc ra tất cả như đã thấy trên kia.
Những cuộc họp đôi khi tổ chức có định kỳ. Ở một vài hội nghị như thế,
người dự không quá tám hay mười người, và đi lại cũng chỉ những nhân vật
ấy. Ở những cuộc họp khác thì ai cũng được vào phòng họp, đông đến nỗi
phải họp đứng. Người này họp vì nhiệt tình và say đắm! Kẻ khác họp vì đó
là con đường đưa tới có việc làm. Cũng như ở thời Cách Mạng, trong các
quán ấy có những người phụ nữ yêu nước ôm hôn những kẻ mới đến.
Nhiều sự việc có ý nghĩa nữa xuất hiện.
Có người vào quán rượu uống xong bỏ đi ra, nói: “Anh hàng rượu, chỗ
tiền rượu này chính quyền Cách Mạng sẽ trả cho anh”.
Ở quán rượu bên kia phố Charonne, có một cuộc bầu cử những người cán
bộ Cách Mạng. Hòm phiếu là một cái mũ công nhân.
Một số thợ họp ở nhà một thầy dạy kiếm thuật ở phố Cotte. Ở đó có một
bó khí giới gồm mã tấu gỗ, gậy, kiếm. Một hôm người ta bóc trần mũi kiếm.
Một người thợ nói: “Chúng tôi hai mươi lăm người, nhưng tôi không được
tính vì người ta coi tôi là một cái máy”. Cái máy ấy về sau là Quénisset.
Những việc tầm thường gì mà được tính toán trước cũng trở nên có ý
nghĩa lớn. Một người đàn bà quét ở trước cửa nhà mình thóc mách với một
người khác: Đã từ lâu rồi, người ta khẩn trương làm đạn. Người ta thấy dán
ngay ngoài phố những bản tuyên bố kêu gọi quốc dân các quận. Một trong
các bản ấy ký tên: “Burtot, bán rượu".
Một hôm ở cửa nhà một anh chàng rượu chợ Lenoir, một người có bộ râu