minh. Số khác lại không cho rằng thí nghiệm này nói lên được điều gì. Họ lập luận rằng không
ai có thể chứng thực được những quyết định giả tưởng áp dụng với những trải nghiệm thực
đúng bao nhiêu phần trăm. Có cách nào thoát khỏi cuộc tranh cãi này? Có thể có, mặc dù nó có
dính dáng đến ý kiến của các nhà triết học đã về chầu tiên tổ từ cả 200 năm trước.
Cảm xúc và suy luận
Những cây đa cây đề trong ngành tâm lý học đại diện là David Hume cho rằng cảm xúc chi phối
các quyết định đạo đức. Còn triết gia Immanuel Kant lại khẳng định rằng chính lý lẽ mới đưa
đến (hoặc chí ít, có thể) đưa đến các quyết định đạo đức. Khoa học thần kinh hiện đại đang ngả
về phe Hume.
Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu tin rằng con người chúng ta có hai hệ mạch suy luận đạo
đức riêng rẽ và các quyết định đạo đức được đưa ra sau khi đã có cuộc hội kiến và đôi co giữa
hai hệ thống này. Hệ thống thứ nhất chịu trách nhiệm đưa ra những lựa chọn đạo đức duy lý –
chính là những hệ mạch Kant trong não bộ chúng ta – quyết định rằng cứu năm mạng người
hợp lý hơn một mạng. Đối trọng với hệ mạch Kant, hệ thống thứ hai mang tính riêng tư hơn,
thậm chí giàu cảm xúc hơn, sắm vai trò là phe đối lập truyền kiếp. Những tế bào thần kinh này
cho phép bạn hình dung ra viễn cảnh người đàn ông to cao kia lao xuống rồi tử nạn, tưởng
tượng ra xem người xấu số và gia đình anh ta sẽ cảm thấy ra sao, rồi nhận ra rằng cái chết
khủng khiếp của anh ta thuộc phần trách nhiệm của bạn. Quan điểm kiểu Hume này khiến cho
não bộ của phần lớn người tham gia đều lập tức ngưng lại, sau đó đưa ra lệnh bác bỏ lựa chọn
này. Phần vỏ não trước trán bụng giữa đóng vai trò chuyển tải cuộc đấu tranh nội tâm này. Khi
phần não này bị thương tổn, Hume cũng đành “cắp nón ra đi”.
Mất cảm xúc, mất khả năng ra quyết định
Điều này có nghĩa gì đối với các bậc phụ huynh muốn nuôi dạy một đứa con tử tế? Như chúng
ta đã thấy trong các chương trước, cảm xúc chính là nền tảng cho hạnh phúc của con trẻ. Có vẻ
như chúng cũng là nền tảng của việc ra quyết định đạo đức. Phát hiện mới mẻ này tình cờ đến
từ quan sát của nhà khoa học thần kinh Antonio Damaiso trên một người đàn ông tên Elliot.
Elliot đúng là một mẫu người lý tưởng: vị quản lý tài ba của một doanh nghiệp lớn, người
chồng tuyệt vời, huynh trưởng nhà thờ, người đàn ông của gia đình. Tuy vậy, mọi thứ đã thay
đổi kể từ ca phẫu thuật não tách bỏ khối u gần bán cầu não trước. Ca phẫu thuật thành công.
Anh phục hồi nhanh chóng với trí thông minh và các năng lực nhận thức không hề suy suyển.
Nhưng anh có thêm ba nét tính cách khác lạ.
Thứ nhất, anh không thể đưa ra quyết định. Elliot cân nhắc đi cân nhắc lại những chi tiết dù
nhỏ nhặt nhất trong cuộc đời mình. Những quyết định chỉ mất vài giây đối với người bình
thường sẽ lấy đi của anh hàng tiếng đồng hồ. Anh không thể quyết định nên xem kênh nào trên
ti vi, chọn cây bút màu nào, mặc đồ gì hay đi đâu buổi sáng. Anh cứ phân tích mọi thứ không
dứt. Giống như một người lượn vè vè quanh bàn đồ ăn buffet nhưng không thể chọn món gì
cho vào đĩa của mình, cuộc sống của Elliot là một chuỗi lập lờ triền miên. Không có gì ngạc
nhiên, thế giới của Elliot dần tàn lụi. Anh đánh mất việc làm và cuối cùng, là cả cuộc hôn nhân
của mình. Anh gây dựng lại cơ đồ mới và phải chứng kiến chúng sụp đổ hết cả. Sở Thuế vụ tiến
hành điều tra anh. Rốt cuộc, Elliot phá sản và phải chuyển về ở cùng bố mẹ.
Damasio bắt đầu làm việc với Elliot hồi năm 1982. Sau khi cho Elliot thực hiện một loạt bài
kiểm tra hành vi, ông nhanh chóng nhận ra nét tính cách khác lạ thứ hai ở Elliot: Anh không thể
cảm nhận thứ gì trên phương diện cảm xúc. Thực ra là, dường như Elliot không hề có chút cảm
xúc nào. Bạn có thể trưng ra trước mặt anh một bức tranh đẫm máu, một tấm ảnh khêu gợi hay
một đứa trẻ sơ sinh. Không có bất cứ một phản ứng hồi đáp rõ ràng nào từ trái tim hay bộ não
của Elliot có thể đo đạc được. Chỉ là một đường phẳng lì. Cứ như thể Damasio đã mắc nối
những mạch điện sinh lý học vào một con hình nộm vô tri vậy.