Phải kiên định không đổi
Hành động trừng phạt phải được thực thi kiên định – mỗi khi luật lệ bị vi phạm. Đó là một
trong những nguyên do giải thích tại sao chiếc lò nóng rẫy lại có thể biến đổi hành vi nhanh
chóng đến vậy. Mỗi khi bạn chạm tay vào nó, bạn đều bị bỏng. Điều tương tự cũng đúng với
trừng phạt. Bạn càng cho phép nhiều ngoại lệ bao nhiêu, thì càng khó dập tắt hành vi sai trái
bấy nhiêu. Đây chính là cơ sở của Quy luật Trí não tiếp theo: Có là có mà không là không.
Không chỉ kiên định từ ngày này qua ngày khác, mà bất cứ ai, từ bố, mẹ, bảo mẫu, dì, dượng
đến ông bà, họ hàng làng xóm đều phải kiên định một lập trường về quy tắc hành xử trong gia
đình bao gồm cả những hậu quả khi vi phạm.
Cơ bản, chẳng ai muốn bị phạt – ai cũng tìm cách thoát tội – và bọn trẻ thì giỏi giang đến không
thể tin nổi trong khoản phát hiện ra sơ hở của bạn. Vậy nếu bạn muốn trẻ có hẳn một “xương
sống” đạo đức, đừng cho trẻ cơ may lợi dụng người này chơi lại người kia. Nếu không, tất cả
những gì trẻ hình thành sẽ chỉ là lớp sụn mà thôi.
Phải mau lẹ dứt khoát
Nếu bạn đang thử dạy con bồ câu mổ vào thanh ngang nhưng trì hoãn việc củng cố hành động
sau 10 giây, thì dù bạn có dạy cả ngày, con bồ câu vẫn sẽ không học nổi. Nhưng nếu co ngắn
khoảng thời gian ấy xuống 1 giây, thì con chim nhỏ sẽ học được cách mổ vào thanh ngang chỉ
trong vòng 15 phút. Chúng ta không có bộ não giống loài chim, nhưng bất kể bị trừng phạt hay
được khen thưởng, chúng ta cũng có những phản ứng tương tự. Hành động trừng phạt càng
gần với thời điểm vi phạm luật lệ, việc học được điều hay-dở sẽ càng nhanh chóng hơn. Các
nhà nghiên cứu thực tế còn đo đạc được việc này trong bối cảnh đời thật.
Phải an toàn về tình cảm
Hành động trừng phạt phải được thi hành trong không khí ấm cúng thể hiện sự an toàn về mặt
tình cảm. Khi trẻ cảm thấy yên tâm, ngay cả trước việc chỉnh đốn lỗi lầm nghiêm khắc của cha
mẹ, trừng phạt mới phát huy được hiệu quả. Nhu cầu có nguồn gốc tiến hóa đối với cảm giác
an toàn này mạnh mẽ tới mức bản thân sự hiện diện của luật lệ cũng thường chuyển tải thông
điệp an toàn tới cho trẻ. “Ồ, bố mẹ thật lòng quan tâm đến mình đây,” là cách mà trẻ (và gần
như bất cứ độ tuổi nào của giai đoạn thơ ấu) nhìn nhận sự việc, dù có vẻ như trẻ tỏ thái độ
chẳng mấy coi trọng. Nếu trẻ không cảm thấy an toàn thì ba loại nguyên liệu sau là vô giá trị.
Thậm chí có thể còn gây hại.
Không đồ chơi gì hết
Làm thế nào chúng ta biết được bốn chỉ dẫn này? Chủ yếu xuất phát từ một loạt thực nghiệm
mà tên gọi và thiết kế ắt đã có sẵn trong đoạn hồi tưởng quá vãng của đạo diễn lừng danh Tim
Burton . Chúng được gọi là những mô hình Đồ chơi Bị cấm. Nếu em bé mẫu giáo nhà bạn được
tuyển vào một thí nghiệm như thế của Rose Parke, cô bé sẽ trải nghiệm thứ gì đó như sau:
Con gái bạn ở trong phòng cùng một chuyên gia nghiên cứu và hai món đồ chơi. Một món cực
kỳ hấp dẫn, món kia thì chẳng có gì lôi cuốn. Mỗi khi vươn ra để chạm vào món đồ chơi mời gọi
kia, bé đều nghe thấy một tiếng còi ồn ào, khó chịu. Bé chạm vào và lại phải nghe tiếng động
bực mình kia. Trong một số phiên thực nghiệm, sau tiếng còi báo, chuyên gia nghiên cứu nọ
còn cất lời trách mắng nghiêm khắc bảo bé không được chạm vào món đồ chơi. Tuy thế, tiếng
còi báo không bao giờ vang lên khi trẻ chạm vào món đồ chơi chẳng mấy hấp dẫn. Nhà nghiên
cứu cũng không nói gì. Con gái bạn nhanh chóng nhận ra luật chơi: Món đồ chơi hấp dẫn bị
cấm.
Đến giờ thì chuyên viên nghiên cứu rời khỏi căn phòng, nhưng thí nghiệm vẫn tiếp tục, con gái
bạn vẫn đang được ghi hình. Cô nàng sẽ làm gì khi chỉ còn lại một mình? Parke phát hiện ra
rằng, việc bé chọn cách nghe lời hay không còn tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố: khoảng thời