Không có nguyên tắc vạn năng nào áp-dụng-chung-cho-tất-cả
Hãy chú ý là tôi nói “nhìn chung”. Vì, phong cách kỷ luật quy nạp, tuy có sức mạnh lớn lao là
vậy, nhưng không phải một chiến lược áp-dụng-chung-cho-tất-cả. Tính khí của đứa trẻ mới là
nhân tố then chốt. Với những trẻ vốn có cái nhìn táo tợn và bốc đồng về cuộc sống, thì kỷ luật
quy nạp có vẻ vẫn chưa đủ liều. Còn những trẻ nhút nhát có thể phản ứng tiêu cực trước những
hành vi sửa sai gay gắt mà với mấy đứa anh em tính cách táo tợn của nó thì chưa nhằm nhò gì.
Những em này cần được đối xử nhẹ nhàng hơn. Tất cả mọi đứa trẻ đều cần có luật lệ, nhưng
mỗi bộ não lại được mắc nối một kiểu, vậy nên bạn phải tìm hiểu rõ những nguyên cớ gây ra
cảm xúc cả bên trong và bên ngoài cho con mình – từ đó đưa ra các sách lược kỷ luật phù hợp.
Có nên đét mông?
Hiếm có chủ đề nào gây nhiều bất đồng như “yêu cho roi cho vọt”. Roi vọt liệu có nên là công
cụ nuôi dạy con cái hay không. Rất nhiều quốc gia nghiêm cấm hành vi này. Mỹ thì không. Hơn
hai phần ba dân số Mỹ đồng tình với việc này; có đến 94% các ông bố bà mẹ Mỹ đã từng tét
mông con mình trước thời điểm chúng lên 4 tuổi. Nhìn chung, tét mông nằm trong nhóm trừng
phạt thông qua loại bỏ.
Có không ít nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá mức độ hữu dụng của phương pháp này,
nhưng kết quả không rõ ràng và gây nhiều tranh cãi. Một trong những cột thu lôi hứng đủ sấm
sét dư luận chính là công trình được thực hiện bởi một ủy ban gồm các chuyên gia phát triển
trẻ em dưới sự tài trợ của Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ. Nghiên cứu này kết luận các hình thức
trừng phạt về thân thể là không nên, và đưa ra các bằng chứng chứng minh việc đét mông có
tác động xấu đến hành vi của trẻ, làm trẻ hung hăng hơn, trầm uất hơn và hay âu lo hơn với
mức IQ thấp hơn. Mới đây, công trình nghiên cứu của Catherine Taylor, Trường Y tế Công
thuộc Đại học Tulane đã khẳng định tính đúng đắn của những phát hiện này. Kết quả nghiên
cứu đã cho thấy trẻ 3 tuổi bị đét mông nhiều hơn 2 lần/tháng có tỉ lệ hung hăng khi lên 5 cao
gấp đôi so với trẻ bình thường, kể cả tính đến những yếu tố khác như mức độ gay gắt khác
nhau ở các đối tượng trẻ em, cả yếu tố trầm uất ở người mẹ, việc sử dụng chất cồn và chất gây
nghiện và cả tình trạng lạm dụng của vợ/chồng.
Kết luật này cũng vấp phải sự phản đối kịch liệt từ phía các bậc phụ huynh. “Chỉ là số liệu chắp
ghép chứ gì!” một người phán (đúng thế). “Có phải chuyên gia nào cũng đồng tình đâu!” một
người khác lên tiếng (cũng đúng nốt). “Làm gì có những nghiên cứu độc lập với hoàn cảnh!” ví
dụ thế, “chúng ta có biết cùng là hành vi tét mông nhưng trong một gia đình dạy dỗ theo phong
cách quy nạp nồng ấm sẽ khác hẳn trong một bầu không khí cứng rắn, phi quy nạp?” (Đúng là
chúng ta không biết thật.) Thế còn mục đích của các bậc mẹ cha thì sao? Danh sách những ý
kiến chống đối còn dài lê thê. Rất nhiều ý kiến xuất phát từ nỗi lo lắng trẻ em ngày càng ít được
dạy dỗ uốn nắn hơn, các ông bố bà mẹ thời nay cũng ngại xiết chặt kỷ cương với con cái.
Tôi cũng đồng cảm sâu sắc với nỗi quan ngại này. Tuy vậy, những con số thì không. Bên trong
não bộ, cuộc chiến diễn ra giữa những bản năng mô phỏng chậm với các khuynh hướng tiếp
thu đạo đức. Hành động tét mông chỉ đủ dữ dội để khuấy động đấu thủ thứ nhất hơn là đấu thủ
thứ hai.
Như nhà nghiên cứu Murray Straus đã nhấn mạnh trong bài phỏng vấn trên tờ Scientific
American Mind, mối liên hệ giữa tét mông với hành vi tiêu cự còn chắc chắn hơn cả quan hệ
giữa việc phơi nhiễm chì và suy giảm IQ, thậm chí hơn cả sự liên đới giữa hút thuốc lá thụ động
với bệnh ung thư. Thế mà trong khi hiếm người thắc mắc về những mối liên quan này, người ta
còn thắng kiện nhờ viện đến những số liệu về mối liên đới này trong những sự vụ dính dáng
đến sức khỏe, vậy thì sao lại phải tranh cãi về việc có nên tét mông hay không? Mọi sự đã rành
rành ra thế rồi.
Tôi quá biết rằng phương cách dạy dỗ quy nạp đòi hỏi nhiều nỗ lực. Chứ đánh một đứa trẻ thì
chẳng mệt gì. Theo quan điểm của tôi, đánh đòn chỉ là một kiểu nuôi dạy lười biếng mà thôi.