công cụ nào có sẵn trong tay.
Hãy bắt tay vào hình thành một cấu trúc như thế ngay bây giờ, trước khi em bé xuất hiện. Có
rất nhiều lựa chọn. Ở cấp độ chính thức, có các nhóm PEPS (viết tắt của Program for Early
Parent Support – Chương trình Hỗ trợ cho người mới làm cha mẹ), rồi các nhà thờ, các giáo
đường Do thái, tất cả đều sở hữu những ý niệm về cộng đồng không thể tách rời. Còn một cách
phi chính thức, bạn có thể đứng ra tổ chức các cuộc tụ tập thân mật cùng bạn bè. Hãy hẹn hò
gặp mặt với các cặp sắp có con trong Bộ tộc Lamaze của bạn. Bày ra các bữa tiệc nấu nướng
linh đình, nơi bạn và bạn bè mình cùng bày ra cả một đống thức ăn đông lạnh. Trưng ra đủ thứ
đồ ăn thức uống chuẩn bị cho cả 50 ngày trời để ăn uống cho no say trước khi em bé chào đời
chính là một trong những món quà tuyệt nhất bạn có thể tặng cho bất cứ ông bố bà mẹ tương
lai nào. Rồi thực hiện một bữa tiệc kiểu món-ăn-cho-cả-50-ngày kiểu vậy sau khi em bé ra đời
chính là một cách cực hay để gắn kết cộng đồng của bạn.
Chăm chút cho hôn nhân của bạn
Kể cả bạn không hề cảm thấy chút rắc rối nào ở chân trời hôn nhân hay bạn có cơ man nào là
thân bằng cố hữu, thì cũng không lấy gì đảm bảo rằng tất cả vẫn duy trì như thế sau khi em bé
chào đời. Một vài ý kiến là đây:
Hãy bắt đầu hỏi han vào buổi sáng và buổi chiều
Bắt đầu những lượt “kiểm tra tình hình” định kỳ với nhau. Kiểm tra tình hình hai lần mỗi ngày,
một vào buổi sáng và một vào buổi chiều, đơn giản gọn nhẹ như một cú điện thoại hay một cái
email. Sao lại phải hai? Lời hỏi thăm vào buổi sáng cho phép bạn biết xem ngày hôm đó sẽ
diễn tiến ra sao. Còn câu hỏi vào buổi chiều có thể giúp bạn chuẩn bị cho buổi tối. Những ông
bố bà mẹ mới thường chỉ còn lại một phần ba thời gian bên nhau so với khi chưa vướng bận
con cái. Đó cũng chỉ là một dạng cách ly xã hội khác mà thôi. Hãy bắt đầu ngay từ lúc này, trong
khi bạn vẫn còn tràn trề năng lượng, hãy tự cho mình không gian để phát triển thói quen trước
khi em bé xuất hiện, khi bạn chẳng còn sức lực như vậy nữa.
Lên lịch sinh hoạt vợ chồng thường xuyên
Đúng thế, nỗi khoái lạc lớn lao của sự gần gũi thể xác bao gồm cả sự hỗ trợ lành mạnh của tính
ngẫu hứng. Vấn đề là, bạn có thể hôn tiễn biệt sự tự phát ấy ngay khi bắt đầu rước em bé về
nhà. Quan hệ tình dục thường sút giảm thê thảm sau khi một đứa con chào đời, và kéo theo đó
là quan hệ vợ chồng xấu đi. Định ra lịch sinh hoạt vợ chồng – tần suất phù hợp với bạn – có thể
ngăn chặn nguy cơ này. Hơn thế, nó còn mang lại cho mỗi bên thời gian để giảm bớt sức ép về
tinh thần và dần dần có cảm hứng. Hãy thử kết hợp chặt chẽ hai kiểu tình dục vào cuộc sống
của bạn: ngẫu hứng và duy trì.
Phát triển phản xạ thấu cảm với bạn đời
Mới gần đây thôi, một phụ nữ tham gia vào một trong những dự án nghiên cứu của chúng tôi
đã đối mặt với một tình huống huấn luyện phản xạ thấu cảm. Hôm ấy, cô đi mua sắm sau một
ngày làm việc mệt nhoài. Đến lúc thanh toán, cô mới phát hiện ra rằng sổ séc chỉ còn trơ toàn
cuống mà thôi. Cô gọi cho chồng để yêu cầu chi viện. Tuy nhiên, tất cả những gì cô nhận được
chỉ là một bài thuyết giảng về trách nhiệm cá nhân: Sao em không chịu kiểm tra sổ séc trước
khi đi? Thế tiền mặt dự trữ đâu hết rồi? “Đấy đâu phải những thứ anh nên nói chứ,” cô nhắc
cho anh ta nhớ. “Đáng lý ra anh phải nói: “Nghe giọng em có vẻ mệt, cưng à, lại còn chán nản
bực tức nữa chứ. Mà chắc em tức giận vì gọi điện cho anh là thứ cuối cùng sót lại trong đầu em
sau một ngày làm việc vất vả, chắc bây giờ em đang ngượng chín mặt và chỉ muốn về nhà ngay
lập tức!” Cô quát vào cái điện thoại: “Đấy mới là những thứ anh cần nói chứ, đồ đần!” Rồi cúp
máy. À vâng, câu cuối cùng thì không được tính là một phần trong bài huấn luyện. Nhưng tất cả
mọi người đều cần luyện tập theo hai bước: đọc ra cảm xúc và suy đoán nguyên do. Nguồn nảy
sinh xung đột phổ biến nhất chính là khoảng hẫng giữa một bên là những mục đích bất khả tri