với một bên là hành vi có thể quan sát của một người nào đó. Khoảng hẫng đó có thể được nối
liền nhờ thấu cảm.
Chủ động hàn gắn
Nếu bạn có lỡ hục hặc với nhau trước mặt con trẻ, hãy hàn gắn ngay trước mặt con trẻ. Việc
này cho phép con học được cả cách tranh cãi công bằng và cả cách làm lành nữa.
San sẻ việc nhà
Nào các anh, hãy đỡ đần việc nhà ngay bây giờ. Lên danh sách những việc vợ bạn làm và danh
sách những việc bạn làm. Nếu danh sách này quá bất cân xứng – một trong những nguyên nhân
ly hôn – hãy điều chỉnh ngay. San đều cho đến khi cả hai vợ chồng đều hài lòng với cái gọi là
“công bằng” ấy. Khi danh sách đã được thỏa thuận xong xuôi, hãy bắt tay vào thực hiện ngay.
Trước khi bạn bị tước đi giấc ngủ. Trước khi bạn bị cách ly xã hội. Trước khi vợ chồng bắt đầu
hục hặc. Thậm chí hơn thế, đời sống vợ chồng cũng sẽ thêm mặn nồng. Không đùa đâu. Đã có
hẳn một nghiên cứu về đề tài này hẳn hoi.
Chỉ ra những khúc mắc của bạn
Không cuộc hôn nhân nào là mỹ mãn, chắc chắn rồi, nhưng một số cuộc hôn nhân có thể chống
chịu việc “làm cha làm mẹ” tốt hơn những cặp đôi khác. Bạn có biết cuộc hôn nhân của mình
thuộc vào nhóm nào không? Các chương trình can thiệp hôn nhân có thể cho bạn biết. Hai
trong số những chương trình có uy tín nhất ở Mỹ được phát triển trong các phòng thí nghiệm
của Philip và Carolyn Cowan, và John và Julie Gottman. Các địa chỉ trực tuyến của họ tràn ngập
những công cụ chẩn đoán, các phiên thực hành và các cuốn sách mà họ đã viết về vấn đề này,
cả các mẫu đơn đăng kí tham gia hội thảo nữa. Đường dẫn tới các chương trình này, tác phẩm
của họ và các nguồn tham khảo do đồng nghiệp đánh giá đều có tại địa chỉ
www.brainrules.net.
Hãy tìm một chuyên gia về sức khỏe tinh thần ngay lúc này
Chuyên gia y tế đầu tiên mà một người mới làm cha mẹ cần là một bác sĩ nhi khoa. Nhưng tôi
khuyến khích bạn nên bổ sung một người khác nữa vào danh sách này: Một chuyên gia về sức
khỏe tinh thần. Một đối tượng nằm-trong-khả-năng-chi-trả của bạn, người bạn có thể xin ý
kiến tư vấn khi có thắc mắc, hệt như một bác sĩ nhi khoa. Có nhiều nguyên nhân, đầu tiên là đa
phần các bác sĩ nhi khoa đều không được đào tạo chuyên sâu về các vấn đề sức khỏe tinh thần.
Thêm ba lý do nữa:
Nhiều trẻ sẽ gặp phải các vấn đề sức khỏe tinh thần. Ở đây tôi không chỉ nói tới những đối
tượng khả nghi về hành vi thông thường, ví như trẻ tự kỷ hoặc mắc chứng rối loạn tăng động
giảm chú ý (ADHD). Độ tuổi trung bình có phát sinh BẤT CỨ vấn đề sức khỏe tinh thần nào, từ
rối loạn cảm xúc cho đến rối loạn tư duy, là 14.
Trì hoãn là kẻ thù của bạn. Phát hiện vấn đề sức khỏe tinh thần càng sớm, thì điều trị càng dễ
dàng. Tìm được một chuyên gia sức khỏe tinh thần phù hợp với gia đình bạn là không dễ, nên
tốt nhất là bắt tay vào tìm ngay đi. Tôi biết rằng, với một số người, lời khuyên này chỉ tổ phí
phạm thời gian. Nhưng với những người khác, nó sẽ là thứ quan trọng nhất mà họ từng làm
được cho con cái mình.
Cứ năm người thì có một người mắc chứng trầm cảm sau sinh. Việc có một chuyên gia sức
khỏe tinh thần giống như là được bảo hiểm vậy. Nếu không phát sinh vấn đề gì, thì không cần
lui tới thăm viếng chi, nhưng khi có chuyện, bạn biết là phải trông cậy vào đâu.
BÉ THÔNG MINH