sâu xa, và chúng ta chia sẻ điều kỳ diệu này với tất cả các loài động vật có vú khác trên hành
tinh này. Chỉ trừ một thứ.
Những chỗ phình ở đầu mút cuối ống thần kinh bào thai sẽ trở thành một bộ não to lớn và siêu
thông minh – có thể là bộ não nặng nhất tính theo tỉ trọng với cơ thể – từng tồn tại trên hành
tinh này. Bộ phận khổng lồ này được tạo thành từ một “mạng nhện” tế bào tinh vi, với những
tia chớp điện lách ta lách tách. Ở đây, có hai loại tế bào đóng vai trò quan trọng. Loại thứ nhất
– tế bào thần kinh đệm (glial cell) tạo thành 90% tế bào não bên trong đầu của trẻ. Chúng tạo
thành hình cho não bộ và giúp các nơ-ron thần kinh xử lý thông tin chính xác. Ấy là một cái tên
rất hay; glial là một từ tiếng Hy Lạp, nghĩa là glue (keo dính). Loại tế bào thứ hai chính là tế bào
thần kinh, vốn rất quen thuộc. Mặc dù gánh vác phần rất lớn trong việc tư duy của trẻ, các nơ-
ron lại chỉ chiếm chừng 10% trong tổng số tế bào não của trẻ. Có lẽ từ đây, ta mới có một thứ
suy nghĩ hoang đường, đó là con người chỉ sử dụng có 10% trí não của mình thôi.
Một tế bào thần kinh, 15 nghìn kết nối
Vậy làm thế nào các tế bào trở thành não bộ? Các tế bào của bào thai được sản xuất thành các
nơ-ron thông qua một quy trình được gọi là phát sinh thần kinh (neurogenesis). Đây chính là
thời điểm mà trẻ sẽ muốn được để yên thân, nửa đầu của thai kỳ. Và rồi, ở nửa sau của thai kỳ,
các nơ-ron sẽ di chuyển đến một khu vực trú ẩn cố định và bắt đầu mắc nối với nhau. Quá trình
này được gọi là quá trình hình thành khớp thần kinh (sypnatogenesis).
Sự di trú của tế bào luôn gợi cho tôi nghĩ đến cảnh những con chó săn đột nhiên được thả
xuống từ thùng xe của vị cảnh sát trưởng để đánh hơi hiện trường vụ án. Các nơ-ron thần kinh
xổ ra khỏi chiếc lồng là lớp ngoại bì, trườn bò lên nhau, khụt khịt đánh hơi các tín hiệu tế bào,
ngưng lại, thử những đường khác, trượt đi, rồi chạy tán loạn trong bộ não đang phát triển. Cuối
cùng chúng dừng lại, chúng đã đến được điểm đích có thể đã được lập trình từ trước trong
những cái đầu tế bào của mình. Chúng quan sát chung quanh các hố tế bào mới và gắng móc
nối với các láng giềng mới mẻ. Khi chúng kết nối, những khoảng trống tí xíu, sống động giữa
các tế bào thần kinh được tạo ra, gọi là khớp thần kinh (synapse, xuất phát từ thuật ngữ
sypnatogenesis). Các tín hiệu điện nhảy giữa những khoảng trống trơn này, cho phép liên lạc
thần kinh. Bước cuối cùng này chính là phần công việc thực sự trong quá trình phát triển não
bộ.
Hình thành khớp thần kinh là một quá trình kéo dài, vì một nguyên cớ rất dễ hiểu: nó cực kỳ
phức tạp. Một nơ-ron thần kinh đơn lẻ trung bình phải tạo ra 15 nghìn liên lạc với “dân bản
địa” trước khi công việc kết nối xong xuôi. Một số nơ-ron còn phải tạo ra hơn 100 nghìn kết
nối. Điều đó đồng nghĩa với việc não bộ của trẻ phải buộc vào tới 1,8 triệu mối nối mới mỗi
giây để tạo thành não bộ hoàn chỉnh. Rất nhiều nơ-ron không bao giờ hoàn thành cả quá trình
này. Cũng giống loài cá hồi sau khi giao hợp, chúng chỉ đơn giản là chết đi.
Kể cả với tốc độ kinh hồn như thế này, não bộ của thai nhi cũng chưa thể hoàn thiện khi đến
thời hạn chào đời. Khoảng 83% quá trình hình thành khớp thần kinh vẫn tiếp tục sau khi bé ra
đời. Thật đáng ngạc nhiên, bộ não của con gái bạn sẽ chưa kết thúc công việc mắc nối cho tới
khi cô nàng bước vào ngưỡng 20 tuổi. Bộ não của các cậu con trai còn mất nhiều thời gian hơn
thế. Ở người, bộ não chính là cơ quan cuối cùng hoàn thiện quá trình phát triển.
KHI NÀO BÉ NGHE THẤY VÀ NGỬI THẤY BẠN?
Mục đích của quá trình sản xuất thần tốc này chính là xây dựng một bộ não đầy đủ chức năng,
bộ não có thể tiếp nhận và phản ứng với các tín hiệu đầu vào. Vậy nên với các ông bố bà mẹ tò
mò, câu hỏi lúc này sẽ là: Thế thì bào thai nhận biết được gì, và khi nào chúng biết được? Khi
nào thì bé cưng của bạn có thể cảm nhận, nói được hay gõ lên bụng bạn?
Nguyên tắc phải ghi nhớ ở đây là: Bộ não dành nửa đầu thai kỳ để gây dựng cơ sở giải phẫu
thần kinh của mình, nó vui sướng tảng lờ hầu hết sự can thiệp của cha mẹ. (Tôi chỉ đang nói