ngủ một nửa số giờ mà họ cần tới hằng đêm. Như thế chẳng lấy gì làm lành mạnh cho cơ thể.
Và cho cả cuộc hôn nhân của cặp đôi đó nữa.
Những người thiếu ngủ trở nên dễ cáu kỉnh – cáu kỉnh hơn nhiều – so với những người được
ngủ đẫy giấc. Tệ hơn, thiếu ngủ làm suy giảm tới 91% khả năng điều tiết những cảm xúc mạnh
mẽ, kéo theo những hậu quả vô cùng nghiêm trọng (đó là lý do tại sao những người lơ mơ gà
gật lại làm việc không hiệu quả.) Thường thì, năng lực giải quyết vấn đề tụt hẳn xuống chỉ còn
10% so với kết quả của họ khi không-bị-buồn-ngủ, và kể cả các kỹ năng vận động của bị ảnh
hưởng. Chỉ cần thiếu ngủ ở mức vừa phải một tuần thôi, bạn sẽ bắt đầu thấy ngay hậu quả
nhãn tiền như thế này. Tâm trạng thay đổi đầu tiên; rồi đến lượt nhận thức, tiếp đến là hiệu
suất hoạt động của cơ thể.
Nếu bạn không có sẵn rất nhiều năng lượng, và nếu bạn cứ bị triệu vời phục dịch đứa con cứ
vài lần một phút (trẻ ở tuổi mẫu giáo cần nhận được sự chú ý theo dạng nào đó, cứ 180 lần mỗi
giờ, như một nhà tâm lý học đã từng lưu ý), bạn sẽ nhanh chóng làm cạn kiệt nguồn dự trữ
thiện chí dành cho người bạn đời của mình. Chỉ riêng việc mất ngủ thôi đã đủ để tiên báo hầu
hết tình trạng gia tăng kiểu cư xử theo lối “ông chằng bà chuộc” giữa các cặp mới làm cha mẹ.
Tình huống dưới đây hiếm khi xảy ra trong một cuộc thăm khám ở văn phòng bác sĩ nhi khoa,
nhưng vẫn có. Vị bác sĩ giỏi sẽ hỏi bạn về sức khỏe của bé, kết thúc bằng việc kiểm tra thường
kỳ cho “cục vàng cục bạc” của bạn, rồi nhìn thẳng vào mắt bạn và đưa ra một vài câu hỏi tương
đối “xâm phạm cuộc sống riêng tư” như thế này: “Thế chị có nhiều bạn bè không?” “Chị và anh
nhà tham gia vào các nhóm nào? Những nhóm này quan trọng ra sao với anh chị? Chị và anh
nhà dành bao nhiêu thời gian liên hệ với những nhóm này?”
Bác sĩ thông thường sẽ không hỏi những câu này vì cuộc sống xã hội của bạn chẳng phải việc
của cô ấy. Nhưng vấn đề là ở chỗ, nó lại liên quan mật thiết đến em bé. Tình trạng cách ly xã hội
có thể dẫn tới chứng trầm uất bệnh lý ở cha mẹ. Trầm uất có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của
cha mẹ, gây ra các bệnh tật truyền nhiễm và các cơn trụy tim. Cách ly xã hội chính là kết cục cô
đơn của cuộc khủng hoảng năng lượng mà rất nhiều những người mới làm cha mẹ gặp phải.
Các nghiên cứu đã chứng minh rằng đây chính là phàn nàn chủ yếu của hầu hết các cặp vợ
chồng trong quá trình chuyển đổi lên vai trò bố mẹ. Một bà mẹ đã viết:
Tôi chưa khi nào cảm thấy cô độc như lúc này đây. Đám trẻ con thì mù tịt còn ông chồng thì
mặc xác tôi. Tất cả những gì tôi làm chỉ là việc vặt trong nhà, nấu nướng, chăm bẵm con cái…
Tôi không còn là con người nữa. Tôi không có nổi một phút cho bản thân mình, hơn thế nữa,
tôi bị cô lập hoàn toàn.
Nỗi cô đơn thường trực là điều mà tới 80% những người mới làm cha mẹ phải trải nghiệm.
Sau khi một đứa con chào đời, các cặp vợ chồng chỉ còn chừng 1/3 thời gian ở bên cạnh nhau
so với khi vẫn còn son rỗi. Niềm xúc động vì nỗi “mới có con” lụi dần đi, nhưng công việc chăm
sóc dưỡng dục triền miên không ngưng nghỉ. Sắm vai ông bố, bà mẹ trở thành một nhiệm vụ,
và rồi, là thành chuyện “thường ngày ở huyện”. Những đêm trắng nối nhau không dứt tháo cạn
cả nguồn cung năng lượng gia đình; những xung đột vợ chồng ngày càng gia tăng đã làm kiệt
quệ nốt phần dự trữ còn lại.
Những tổn thất này làm cho các hoạt động xã hội của các cặp bố mẹ cũng mắc cảnh “hết xăng”.
Những ông bố bà mẹ này còn khó lòng duy trì tình hữu hảo với nhau, nói chi đến các mối xã
giao thiên hạ. Bạn bè cũ chẳng còn năng lui tới. Không còn sức để kết giao bạn mới. Ngoài vợ
chồng mình, các cặp bố mẹ điển hình chỉ có không đầy 90 phút mỗi ngày để giao du. Không có
gì khó hiểu khi có tới 34% các ông bố bà mẹ loay hoay trong cảnh cô đơn cả ngày trời. Rất
nhiều cặp bố mẹ mới cảm thấy như bị dính bẫy. Một bà mẹ chỉ-lui-cui-trong-nhà nói: “Có
những ngày, tôi chỉ muốn nhốt mình trong phòng ngủ buôn chuyện với đứa bạn thân cả ngày
thay vì phải khổ sở với đám nhóc. Tôi yêu chúng, nhưng làm một bà mẹ-chỉ-lui-cui-trong-nhà
không phải những gì tôi từng mơ ước.” Một bà mẹ khác chỉ đơn giản nói về nỗi cô đơn thế này: