“Tôi khóc trong xe. Rất nhiều.”
Tham gia nhiều hội nhóm cộng đồng chính là giải pháp then chốt. Nhưng những mối giao hảo
này đa phần có xu hướng đổ vỡ trong quá trình chuyển đổi lên vai trò cha mẹ. Phụ nữ phải
hứng chịu sự cô lập xã hội rất lớn, và có những lý do sinh học lý giải tại sao điều này lại đặc biệt
độc hại với họ. Lý thuyết là đây:
Việc sinh nở – trước khi có sự xuất hiện của thuốc men hiện đại – thường nguy hiểm chết
người với các bà mẹ. Mặc dù không ai biết được con số chính xác, nhưng ước chừng cứ tám
trường hợp lại có một bà mẹ tử vong. Tuy nhiên, khả năng sinh tồn sẽ cao hơn trong những bộ
tộc mà các thành viên nữ gắn bó và tin cậy lẫn nhau hơn. Ở đó, những phụ nữ lớn tuổi, có kinh
nghiệm từ nhiều lần sinh nở có thể chăm sóc những người mới làm mẹ. Các bà mẹ đang nuôi
con khác có thể cung cấp nguồn sữa quý giá cho bé sơ sinh nếu mẹ đẻ qua đời. Nói như lời của
nhà nhân chủng học Sarah Hrdy (không có chữ “a” nào trong họ của bà đâu), chính sự chia sẻ
và những mối tương tác xã hội mang tới lợi thế sinh tồn cho loài người. Bà gọi đó là
“alloparenting”. Nhận định này phù hợp với phát hiện chúng ta là loài linh trưởng duy nhất cho
phép người khác chăm sóc con cái mình.
Một bà mẹ đã diễn đạt về các mối liên hệ xã hội của mình đầy súc tích thế này: “Đôi lúc, khi
đang ẵm bé con xinh đẹp trong vòng tay mình và hai mẹ con nhìn nhau đầy thương mến, tôi
thầm ước rằng nó sẽ ngủ thiếp đi, chỉ có thế, tôi mới kiểm tra email được.”
Vì đâu chỉ có tình xóm giềng giữa phụ nữ mà không phải đàn ông? Một phần nguyên do là tại
hóc môn. Để phản ứng với stress, cơ thể nữ giới giải phóng hóc môn oxytocin, một loại hóc
môn gia tăng nhóm hành vi sinh học được định danh là “chăm sóc và làm bạn”. Nam giới thì
không. Các hóc môn testosterone nội trú của họ đã phát đi quá nhiều tín hiệu gây nhiễu, làm
cùn mòn những tác động của oxytocin nội sinh. Trong khi hóc môn này, đóng vai trò như chất
dẫn truyền thần kinh ở cả hai giới, giúp truyền tải sự tin cậy và bình tâm, điểm mấu chốt để
xây dựng và thắt chặt mối quan hệ với những người rất có thể sẽ phải trở thành một ông bố/
bà mẹ nuôi. Thêm vào đó, oxytocin cũng góp phần kích thích tiết sữa.
Giao thiệp xã hội, hóa ra, lại có căn cội tiến hóa sâu xa. Con người không thể sống mà không
cần nhu cầu bức thiết ấy. Chuyên gia tâm lý trị liệu Ruthellen Josselson, nghiên cứu về các mối
quan hệ “chăm sóc và làm bạn”, đã nhấn mạnh về tầm quan trọng của chúng thế này: “Mỗi khi
lấn bấn quá mức với công việc và gia đình, điều đầu tiên ta làm chính là ngãng các mối giao
thiệp hữu hảo với những người phụ nữ khác. Chúng ta đẩy tuột chúng xuống hàng thứ yếu. Ấy
thực sự là một sai lầm bởi bạn bè nữ giới chính là nguồn sức mạnh hỗ trợ lẫn nhau.”
Lý do cuồng nộ thứ ba được minh họa đầy mai mỉa trong lời trần tình đau đớn này của một
phụ nữ mới làm mẹ, chị Melanie.
Nếu ông chồng còn nói với tôi thêm một lần nữa rằng anh ta cần phải nghỉ ngơi vì đã “quần
quật làm lụng cả ngày”, tôi sẽ quẳng hết quần áo của anh ta ra bãi cỏ sân trước, đạp cho xe anh
ta về mo rồi đứng nhìn nó trôi tuột đi và tôi sẽ bán hết đống đồ thể thao đắt tiền của anh ta
trên eBay lấy 1 đôla. Rồi tôi sẽ khử béng anh ta luôn. Thực tình là anh ta chả hiểu quái gì sất! À
vâng, anh ta làm việc cả ngày đấy, nhưng anh ta làm việc với những người lớn nói tiếng Anh,
được học hành đến nơi đến chốn và giỏi giang tài cán lắm.
Anh ta đâu có phải thay tã cho mấy người đó, ru cho họ ngủ trưa rồi cọ rửa cho thức ăn hết
bám dính trên tường. Anh ta đâu phải đếm từ 1 đến 10 để bình tĩnh trở lại, đâu phải xem phim
hoạt hình Barney tới một triệu lượt, anh ta cũng đâu phải tự bóp ngực mình đến 6 lần để cho
một đứa bé đói ngấu ăn và TÔI BIẾT TỎNG là anh ta đâu có phải ăn bơ lạc với bánh phết mứt
trong bữa trưa. Anh ta CÓ tận HAI lần nghỉ 15 phút để “tản bộ” và một giờ nghỉ 1 tiếng đồng hồ
để tập thể hình và 1 tiếng đi tàu về nhà để đọc sách báo hay chợp mắt cho khỏe.
Thế nên có thể tôi không có lương lậu gì thật, có thể tôi ru rú ở nhà, vận cái quần nỉ gần như cả