cái ‘khó’ ấy không phải toàn bộ câu chuyện. Đó thậm chí còn không phải là phần chủ yếu.
Khoảng thời gian bạn thực sự trải qua bên con cái mình ngắn đến sững sờ. Chúng sẽ lớn rất
nhanh. Cuối cùng, rồi con bạn sẽ ngủ nghê theo lịch trình đàng hoàng, rồi quay sang bạn để tìm
nguồn an ủi, rồi học từ bạn cả những điều nên làm và không được làm, và sẽ rời khỏi vòng tay
bạn, khởi đầu một cuộc sống độc lập.
Những gì bạn có được từ trải nghiệm này sẽ không phải là ‘có một đứa con vất vả đến mức nào’
mà là ‘bạn trở nên mong manh trước nó ra sao’. Tác giả Elizabeth Stone đã từng nói: “Đưa ra
quyết định sinh một đứa con – quan trọng lắm. Đó là quyết định rằng vĩnh viễn trái tim bạn sẽ
chỉ còn loanh quanh bên ngoài thân thể bạn mà thôi.”
Các ông bố bà mẹ kỳ cựu có thể trải qua những đêm không ngủ, nhưng họ đã được nếm nỗi
phấn chấn của cuốc xe đạp đầu tiên, lễ tốt nghiệp đầu tiên của con, và một số người còn được
đón đứa cháu đầu lòng. Họ đã trải nghiệm toàn bộ câu chuyện. Họ biết mọi thứ thật đáng giá.
Còn nhiều tin tốt lành hơn nữa. Các cặp đôi hiểu rõ bốn Lý do Cuồng Nộ và chuẩn bị tâm lý sẵn
sàng sẽ ít xung đột hơn khi có em bé. Mà dù xung đột có xảy ra, ảnh hưởng thường cũng nhẹ
nhàng hơn nhiều.
BƯỚC ĐẦU TIÊN LÀ NHẬN THỨC
Tôi có thể chứng thực điều này. Tôi lớn lên trong một gia đình quân nhân hồi thập niên 1950.
Bất cứ khi nào cả nhà đi chơi, mẹ tôi cũng đều tất bật chuẩn bị cho hai đứa trẻ con dưới 3 tuổi,
nào sắp đặt chăn, chai lọ, tã lót và quần áo sạch. Bố tôi không bao giờ đỡ một tay và thực tình
là chỉ biết cáu nhặng lên nếu việc chuẩn bị có bị lâu quá. Hầm hầm bước ra khỏi nhà, ông ngồi
phịch xuống ghế lái và nổ máy đùng đùng để tuyên bố cơn giận dữ của mình. Rất nhiều cảm
xúc mạnh mẽ ở đó, cũng hữu hiệu gần bằng một cơn trụy tim vậy.
Tôi cũng chỉ lờ mờ nhớ lại lối cư xử ấy của ông khi đã trở thành một người lớn. Nhưng sáu
tháng sau khi lập gia đình, mọi chuyện trở nên rõ ràng. Hai vợ chồng tôi bị trễ giờ đến buổi tiệc
gặp mặt bạn bè đại học. Nàng chuẩn bị mất thời gian quá đỗi và tôi bắt đầu mất kiên nhẫn. Tôi
hầm hầm lao ra khỏi nhà, chui vào xe và đút chìa khóa vào khởi động. Thốt nhiên, tôi đột ngột
nhận ra những gì mình đang làm.
Tôi nhớ rằng mình đã phải hít một hơi thật dài, tự hỏi vì đâu những ông bố bà mẹ vẫn gây ảnh
hưởng sâu sắc tới nhường đó lên con cái mình, và rồi hồi tưởng lại lời dẫn từ James Baldwin:
“Con cái không bao giờ giỏi lắng nghe cha mẹ, nhưng chúng không bao giờ thất bại trong việc
bắt chước cha mẹ mình.” Thật chậm rãi, tôi rút chìa khóa khởi động, quay trở lại với cô dâu
của mình, và nói lời xin lỗi. Tôi không bao giờ giở trò đó ra lần nào nữa.
Nhiều năm về sau, khi chuẩn bị cho một chuyến đi với hai đứa con của riêng mình, tôi đặt cậu
út vào ghế ngồi, đột nhiên, bỉm của cậu tung tóe ra. Tôi toét miệng cười khi cảm nhận được
chùm chìa khóa xe yên vị trong túi và quay trở lại bàn thay đồ, miệng khẽ ngân nga. Không hề
có tiếng động cơ rú rít.
Không có gì là ghê gớm trong câu chuyện này cả. Không có gì thực sự thay đổi, trừ thái độ chú
ý đặc biệt. Nhưng chính thái độ chú ý này lại là điều tôi muốn chia sẻ, vì sự chuyển vận nội tại
của nó mang lại những hệ quả tích cực hết sức mạnh mẽ. Các nhà nghiên cứu biết cách làm thế
nào để quá trình chuyển đổi lên vai trò dưỡng dục trở nên dễ dàng hơn với các cặp đôi, và tôi
mong rằng không chỉ nói cho bạn biết làm cách nào, mà còn chứng thực rằng nó có tác dụng
thật sự. Miễn là bạn tình nguyện đổ vào đó ít nhiều nỗ lực, thì các em bé sẽ không phải là dạng
bệnh dịch giai đoạn cuối, khiến không một cuộc hôn nhân nào có thể hồi phục an toàn. Ví như
khi viết những dòng này đây, tôi đang bước vào năm thứ 30 của cuộc hôn nhân, và lũ trẻ nhà
tôi thì ngấp nghé tuổi thanh thiếu niên. Đây quả là những năm tháng tuyệt nhất cuộc đời tôi.
Điều hiển nhiên chỉ hiển nhiên với bạn