lực khám phá thiên tư độc đáo của mình. Một trong những người đầu tiên là Francis Galton
(1822-1911), ông là họ hàng xa với Charles Darwin. Sở hữu một bộ râu quai nón rậm rì, hợp
mốt nhưng lại hói đầu, Sir Francis trông cương nghị, thông tuệ và hơi lập dị. Ông xuất thân từ
một nhánh của gia tộc Quaker ưa chuộng hòa bình, mà nghiệp tổ, thật trớ trêu làm sao, lại sản
xuất súng ống. Galton là một nhân vật phi phàm, mới lên 6 đã đọc làu làu và trích dẫn
Shakespeare, và từ nhỏ đã nói được cả tiếng Hy Lạp lẫn La tinh. Galton dường như hào hứng
với hết thảy mọi thứ trên đời, và tham gia vào đủ các lĩnh vực, nào khí tượng học, tâm lý học,
nghệ thuật nhiếp ảnh và thậm chí cả kỹ thuật hình sự (ông đi tiên phong trong nghiệp vụ phân
tích khoa học dấu vân tay nhằm xác định hung thủ gây án.) Song song với đó, ông còn phát
minh ra cả khái niệm thống kê của độ lệch chuẩn và hồi quy tuyến tính, và vận dụng những
khái niệm này để nghiên cứu hành vi con người.
Một trong những niềm say mê của Galton liên quan đến các phương tiện cung cấp sức mạnh
cho tri thức con người – đặc biệt là yếu tố di truyền. Galton chính là người đầu tiên nhận thức
được rằng trí thông minh bao gồm cả những đặc tính có thể di truyền, nhưng đồng thời cũng
chịu ảnh hưởng ghê gớm từ môi trường. Ông cũng chính là người đã đưa ra cụm từ “thiên tư và
dưỡng dục”. Chính bởi những nhận thức sâu sắc này, Galton đã đặt tiền đề cho các nhà khoa
học xem xét những căn nguyên có thể ảnh hưởng đến trí thông minh loài người. Nhưng khi các
nhà nghiên cứu bắt đầu điều tra một cách có hệ thống vấn đề này, họ ngày càng nuôi mộng
biểu diễn trí thông minh của con người chỉ bằng một con số duy nhất. Các bài kiểm tra được sử
dụng – tới tận ngày nay – để quy ra những con số như vậy. Bài kiểm tra đầu tiên chính là kiểm
tra IQ (viết tắt của Intelligence Quotient – Chỉ số Thông minh) mà chúng ta vẫn thường hay
nhắc tới.
Các bài kiểm tra IQ được khởi xướng bởi một nhóm các nhà tâm lý học Pháp, đi đầu là Alfred
Binet ban đầu chỉ nhằm mục đích xác định những trẻ nhỏ gặp khó khăn và cần đến sự hỗ trợ ở
trường học. Nhóm này đã lên danh sách 30 nhiệm vụ cần đạt được, từ việc chạm vào mũi của
một ai đó cho đến vẽ trầm lại các họa tiết. Việc thiết kế nên những bài kiểm tra này chỉ dựa rất
ít trên kinh nghiệm thực tế, và Binet trước sau luôn đưa ra lời cảnh báo rằng đừng diễn giải
những bài kiểm tra này theo nghĩa đen đơn thuần. Ông đã cảm nhận được rằng trí thông minh
vốn đa dạng và các bài kiểm tra của ông cũng có biên sai nhất định. Nhưng nhà tâm lý học
người Đức William Stern đã chủ trương sử dụng những bài kiểm tra này để đo trí thông minh
của trẻ em, lượng hóa thành tích đạt được bằng khái niệm “Chỉ số Thông minh” (IQ). Điểm số
này được tính bằng thương số giữa tuổi trưởng thành về mặt trí não của trẻ trên tuổi đời thực
của trẻ, nhân với 100. Thế là, một em nhỏ 10 tuổi có thể giải những đề bài mà bình thường trẻ
15 tuổi mới giải được sẽ có IQ là 150: (15/10) x 100. Những bài kiểm tra này bắt đầu trở nên
rất phổ biến ở châu Âu, rồi lan ra khắp vùng Đại Tây Dương.
Vào năm 1916, Lewis Terman, một giảng viên trường Stanford loại bỏ một số câu hỏi và thêm
các câu hỏi mới – và việc này cũng không căn cứ trên kinh nghiệm thực tế. Vậy là bài kiểm tra
Stanford-Binet ra đời. Cuối cùng, tỉ số đã được đổi sang thành một con số phân bố dọc theo
một biểu đồ hình chuông, đặt mức trung bình là 100. Một bài kiểm tra thứ hai, được phát triển
năm 1923 do Charles Spearman, một sĩ quan Quân đội Anh quốc chuyển sang làm chuyên gia
tâm lý, đo lường những gì ông này gọi là “nhận thức chung”, mà ngày nay được nhắc đến một
cách giản dị là “g.”. Spearman đã quan sát thấy rằng những người đạt điểm số trên trung bình
trong một hạng mục con nào đó của các bài kiểm tra giấy-trắng-mực-đen có xu hướng đạt
thành tích tốt hơn ở những phần còn lại. Bài kiểm tra này đo lường xu hướng thành tích thực
hiện một số lượng lớn các nhiệm vụ nhận thức có liên quan với nhau.
Những cuộc chiến đã nổ ra suốt nhiều thập niên xung quanh chủ đề “điểm số của những bài
kiểm tra này có nghĩa gì và chúng nên được sử dụng ra sao”. Như thế lại hay, vì các thước đo trí
thông minh hóa ra mềm dẻo hơn hình dung của nhiều người rất nhiều.
Tăng và giảm IQ