Các nhà khoa học đã chứng minh được rằng IQ biến đổi trong suốt quãng đời của một người,
và nó mong manh đến đáng ngạc nhiên trước những tác động từ môi trường. Nó có thể thay
đổi nếu chúng ta căng thẳng, già đi hay sống trong một nền văn hóa khác. IQ của một đứa trẻ
cũng bị ảnh hưởng bởi gia đình. Lấy ví dụ, anh chị em trong cùng gia đình thường có chỉ số IQ
tương đương nhau. Người nghèo có xu hướng có điểm IQ thấp hơn rõ rệt so với người giàu.
Một đứa trẻ sinh ra trong cảnh đói nghèo nhưng nếu được nuôi dưỡng trong một gia đình
trung lưu, tính trung bình, IQ sẽ tăng được 12 đến 18 điểm.
Có những người vẫn bướng bỉnh không muốn tin rằng IQ rất linh hoạt. Họ nghĩ những con số
kiểu như IQ hay “g.” là bất biến, giống như là ngày sinh tháng đẻ chứ không phải cỡ quần cỡ áo.
Giới truyền thông cũng thường nhào nặn năng lực trí não của chúng ta thành những khái niệm
bất biến kiểu vậy và chúng ta có vẻ đồng tình theo lối này. Một số người thông minh thiên bẩm,
như là Theodore Roosevelt, một số người khác thì không. Quả là ngây thơ quá đỗi. Trí thông
minh không hề đơn giản, và đo được trí thông minh càng không phải việc dễ dàng.
Thông minh hơn qua thời gian
Bằng chứng rõ ràng là thực tế IQ tăng dần qua các thập kỷ. Từ năm 1947 đến năm 2002, IQ
trung bình của trẻ em Mỹ đã tăng thêm 18 điểm. James Flynn, một nhà triết học cao tuổi hay
gắt gỏng, đầu bù tóc rối đến từ New Zealand đã khám phá ra hiện tượng này (một phát hiện
gây tranh cãi được đặt tên theo lối vui vẻ là “Hiệu ứng Flynn”). Ông đã xây dựng nên một bài
thực nghiệm tư duy như sau. Coi IQ trung bình của người Mỹ hiện nay là 100, sau đó quy chỉ số
IQ từ thời điểm năm 2009 ngược trở về trước theo thang điểm này. Ông phát hiện ra rằng IQ
trung bình của người Mỹ vào năm 1900 vào mức 50 và 70. Đây là điểm số IQ ngang với phần
lớn những người mắc chứng Down, một phân nhóm được gọi tên là “chậm phát triển trí tuệ
dạng nhẹ”. Đa phần dân số Mỹ vào thời điểm chuyển giao thế kỷ XX đều không mắc chứng
Down. Vậy thì, có điều gì đó không ổn với những con người này hay thực ra, là có gì đó không
ổn với chuẩn đo này? Rõ ràng, quan niệm về tính vĩnh hằng bất biến của IQ cần phải điều
chỉnh.
Hẳn nhiên là tôi tin tưởng vào khái niệm “trí thông minh”, và tôi nghĩ rằng IQ và “g.” đều đánh
giá được một khía cạnh thông minh nhất định nào đó. Những đồng nghiệp của tôi cũng tin vậy,
họ thậm chí còn kí tên vào một bài xã luận đăng trên chuyên san nghiên cứu Intelligence hồi
năm 1997, tuyên bố rằng “IQ liên quan chặt chẽ, có lẽ là chặt chẽ hơn bất cứ một đặc điểm nào
có thể đo lường ở con người, với các kết quả quan trọng khác như giáo dục, sự nghiệp, kinh tế
và xã hội.” Tôi đồng tình. Tôi chỉ ước gì mình hiểu được rằng rốt cuộc, người ta đang đo lường
cái gì mới được.
“THÔNG MINH” CÓ NGHĨA LÀ GÌ
Sự đa dạng của những bài kiểm tra IQ này có thể khiến chúng ta chán nản. Các bậc cha mẹ
muốn biết con mình có thông minh hay không. Và họ muốn con mình phải thông minh. Với
nền kinh tế thế kỷ XXI dựa trên nền tảng tri thức của chúng ta, điều đó là hoàn toàn dễ hiểu.
Tuy thế, khi bạn đào sâu vào chủ đề này, rất nhiều bậc phụ huynh thực sự tỏ ý rằng họ muốn
con mình phải thành công về mặt học hành, để đảm bảo chắc chắn hơn cho tương lai của trẻ.
Liệu “thông minh” và “điểm số trung bình” có liên quan đến nhau không? Có, nhưng hai thứ
này không đồng nhất với nhau, và mối liên hệ không đến nỗi khăng khít như người ta vẫn
tưởng.
Những con số đơn lẻ – hay thậm chí là mối liên hệ giữa những con số đơn lẻ – đơn giản là
không có đủ tính linh hoạt để miêu tả những khía cạnh phức tạp của trí thông minh con người.
Nhà tâm lý học Howard Gardner thuộc trường Harvard, người đã cho xuất bản học thuyết mới
nhất về “đa trí thông minh” hồi năm 1993, từng nói: “Tồn tại chứng cứ thuyết phục rằng trí
não là một cơ quan đa diện, đa thành tố, một cơ quan không thể nắm bắt chỉ nhờ một công cụ
nào đó theo lối giấy-trắng-mực-đen, bất kể cách thức chính thống nào.” Liệu trí thông minh có