cũng gây gây sốt, hết sức kích động và choáng váng vì vừa đi vừa tranh cãi
trong tiết trời băng giá, ai cũng rùng mình liên tục và, dù là giữ vai trò chủ
đạo như Naphta và Settembrini hay chỉ lắng nghe và lâu lâu đóng góp một
câu như mấy người còn lại, cả bọn đều hăng say đến nỗi chốc chốc lại dừng
bước giữa đường khoa tay múa chân giành nhau nói và cản trở những khách
bộ hành khác, khiến những người xa lạ vô can ấy phải vòng sang hai bên vệ
đường tránh, đôi khi cũng có người đứng lại trố mắt lắng nghe các lý lẽ kỳ
quái của họ.
Đúng ra thì câu chuyện khởi đầu từ Karen Karstedt, cô Karen tội nghiệp
với những đầu ngón tay bị rò và vừa mới chết chưa được bao lâu. Hans
Castorp không biết chuyện cô bé bỗng nhiên trở bệnh nặng rồi qua đời, nếu
không hẳn chàng đã vì tình đồng đội mà đi dự đám tang cô bé - chưa kể đến
cảm tình vốn có chàng dành cho tang lễ. Nhưng sự kín đáo tế nhị thông
thường ở đây khiến chàng biết chuyện khi đã quá muộn và cô bé đã chuyển
sang tư thế nằm ngang vĩnh viễn trong khu vườn của vị thiên thần có chỏm
mũ bằng tuyết đội lệch trên đầu. Requiem aeternam
... Chàng ngỏ vài lời
thương mến tưởng nhớ cô bé, khiến ông Settembrini có cơ hội mỉa mai việc
làm từ thiện của chàng lúc trước, những cuộc viếng thăm Leila Gerngroß,
cậu Rotbein với bộ óc thương gia không lúc nào ngừng tính toán, bà
Zimmermann đầy tràn, người con trai huênh hoang của ‘Tous-les-deux’ và
bà Natalie von Mallinckrodt chịu nhiều đau khổ, thậm chí ông ta còn mỉa
mai nhắc đến cả những bó hoa đắt tiền chàng kỹ sư mua tặng cho cái đám
người lố bịch ấy để tỏ lòng tận tâm của mình. Hans Castorp lưu ý ông ta
rằng, những người được nhận cử chỉ quan tâm chăm sóc của chàng, trừ hai
ngoại lệ là bà von Mallinckrodt và cậu nhỏ Teddy, thảy đều đã từ giã cõi đời
vì một căn bệnh nan y, và Settembrini vặn lại rằng, chẳng lẽ điều đó làm cho
họ đáng kính trọng hơn hay sao. Rốt cuộc thì, Hans Castorp cãi, người ta
cũng có thể theo tinh thần nhân đạo Cơ Đốc giáo tỏ lòng tôn trọng nỗi khổ
đau được chứ. Và trước khi Settembrini kịp lên tiếng quở mắng chàng thì
Naphta xen vào giảng giải về hiện tượng lòng nhân đạo được thể hiện một
cách cuồng tín và thái quá ở thời Trung cổ, về những trường hợp xả thân
phục vụ người bệnh đến mức quái gở: con vua cháu chúa cúi mình hôn lên