phế mạc.
Và tóm lại, phương pháp sư phạm không khoan nhượng của ông
Settembrini chắc chắn sẽ phải chào thua trước những gương mặt méo mó
của “Khoa rối loạn tâm thần nặng”, ở đó tâm trạng e sợ đầy thành kính có lẽ
sẽ ngàn lần nhân đạo hơn thái độ kiêu căng hợm hĩnh mà vị Hiệp sĩ thái
dương và Đại giáo chủ Tam Điểm
của chúng ta ưa dùng làm vũ khí chống
lại bệnh mất trí.
Hans Castorp không có thời gian ngẫm nghĩ lâu về cái danh hiệu mới
Naphta vừa tặng cho ông Settembrini. Chàng chỉ kịp tự nhủ, mình nhất định
sẽ phải tìm hiểu thêm khi có dịp. Lúc bấy giờ tâm trí chàng còn bị thu hút
hoàn toàn vào cuộc tranh luận; Naphta đang phân tích những khuynh hướng
chung khiến ông văn sĩ ca tụng sức khỏe và không tiếc lời phỉ báng hạ thấp
bệnh tật. Tất nhiên, Naphta bảo, ông ta cũng ghi nhận một điều là trong quan
điểm này bộc lộ một sự quên mình đáng khen ngợi, vì chính ông Settembrini
cũng mang bệnh trong người. Nhưng quan điểm của ông ta, dù có cao quý
khác thường cũng không tránh khỏi thiếu sót, dựa trên thái độ trân trọng và
sùng bái thân thể, một sự tôn trọng chỉ có thể lý giải được khi thân thể còn ở
trạng thái ban đầu khi mới được Chúa tạo ra chứ không phải trong tình trạng
xuống cấp hiện nay, in statu degradationis
. Là một tạo vật đáng ra bất tử,
bị giáng cấp vì tội tổ tông thân thể trở thành nạn nhân của sa đọa và bỉ ổi,
làm mồi cho cái chết và thối rữa, chẳng khác gì cái xà lim giam giữ linh hồn
và chỉ đáng để người ta hổ thẹn vì nó, pudoris et confusionis sensum
, như
Thánh Ignatius từng dạy.
Sử sách còn ghi vĩ nhân Plotinus cũng từng có cảm giác này, Hans
Castorp kêu lên. Nhưng ông Settembrini đã vung tay quá đầu yêu cầu chàng
đừng bỏ chung các quan điểm thập cẩm ngũ vị vào trong một rọ và tốt hơn
hết chỉ nên ngậm miệng lắng nghe mà thôi.
Trong lúc ấy Naphta dẫn dắt thái độ sùng kính mà Cơ Đốc giáo thời
Trung cổ dành cho những đau đớn thể xác ra khỏi sự đồng tình về tín
ngưỡng đối với cảnh nhục hình. Bởi những ung nhọt của cơ thể không chỉ
thể hiện tình trạng suy sụp của sức khỏe mà còn tương ứng với mức độ bị
đầu độc của linh hồn, những đau đớn dày vò về thể xác lại khơi gợi cảm giác