đóng góp rất khiêm tốn mà thôi. Trong khi ấy Ferge và Wehsal lượn ở vòng
ngoài, lúc đằng trước lúc đằng sau, có lúc lại dàn thành hàng ngang mà đi
cho đến khi hàng ngũ của họ bị dòng giao thông trên đường phá vỡ.
Bị cuốn theo những nhận xét ngoài lề, cuộc tranh luận đã chuyển sang các
đối tượng cụ thể hơn, lần lượt nhảy cóc từ hỏa táng sang hành xác, tra tấn và
tử hình. Ferdinand Wehsal là người đưa đề tài nhục hình ra nói, hồi hộp và
say mê ra mặt, như Hans Castorp thầm nhận xét. Chẳng có gì đáng ngạc
nhiên khi ông Settembrini lớn tiếng viện dẫn nhân phẩm con người để phản
đối biện pháp trừng phạt sai trái cả về mặt giáo dục lẫn về mặt luật pháp này
- trong khi ấy, mặc dù cũng có thể đoán trước được nhưng người nghe vẫn bị
bất ngờ vì những lý lẽ thô bạo đến trắng trợn Naphta dùng để bênh vực nhục
hình. Theo ý ông ta lảm nhảm về nhân phẩm con người ở đây thì thật dở hơi,
bởi nhân phẩm đích thực của chúng ta nằm ở tinh thần chứ đâu phải ở thể
xác, và vì linh hồn con người có khuynh hướng ưa hút khoái lạc chỉ từ thể
xác nên có thể coi những đau đớn người ta gây ra cho tấm thân là một biện
pháp tốt để dập tắt ham muốn nhục dục, xua đuổi niềm say mê ra khỏi cơ thể
và dồn về cho tinh thần, để tinh thần giành lại vị trí bá chủ của mình. Coi
biện pháp trừng phạt bằng nhục hình như một điều xấu xa đặc biệt đáng bị
lên án, đó là một sự phê bình dốt nát. Thánh nữ Elisabeth
đã bị đánh đến
khi tóe máu bởi cha xưng tội của mình, Konrad von Marburg, để, như sự
tích các Thánh chép, cho “hồn vía” bà ta “bong ra” và bay lên “đến ba tầng
trời”; bản thân nữ thánh cũng đã vụt hèo vào một người đàn bà già nua tội
nghiệp lỡ ngủ gật trong khi xưng tội. Chẳng lẽ có thể cả gan phê phán hình
thức sám hối bằng tự hành xác mà thành viên các dòng tu, các giáo phái
cũng như vô số vĩ nhân thường xuyên thực hành để củng cố nguyên tắc tinh
thần cho chính mình, và coi nó là dã man, vô nhân đạo? Việc dùng pháp luật
bãi bỏ nhục hình ở các nước tự xưng là văn minh và gọi đó là một bước tiến
bộ thực sự, niềm tin ấy càng dai dẳng thì chỉ càng thêm nực cười mà thôi.
Chà, Hans Castorp bảo, ở đây phải chấp nhận rằng trong cặp đối ngẫu thể
xác và tinh thần thì không còn nghi ngờ gì nữa, thể xác là hiện thân của cái
ác, của ma quỷ... Ha ha, thể xác mà là hiện thân thì đúng quá, hợp tự nhiên
quá rồi còn gì, hay thật! Và tự nhiên, trong mối quan hệ đối lập với tinh