thần, với trí tuệ, rõ ràng cũng là đại diện cho cái ác - có thể nói là ác một
cách huyền bí, nếu không sợ mang tiếng khoe khoang học vấn và kiến thức.
Dựa trên quan điểm này muốn chữa bệnh cho cơ thể một cách hiệu quả thì
phải áp dụng những biện pháp điều trị theo nguyên tắc tương tự, tức là - nếu
không sợ mang tiếng khoe khoang lần nữa - cũng phải độc ác và huyền bí
như vậy. Giả sử hồi đó, khi ông Settembrini vì sự yếu đuối xác thịt không
dám đi dự hội nghị bàn về tiến bộ ở Barcelona mà được Thánh nữ Elisabeth
hiện ra phù hộ thì hay biết mấy...
Mọi người phá lên cười, và vì ông văn sĩ dợm nhảy lên phản đối nên Hans
Castorp vội lấp liếm bằng cách kể lại chuyện hồi nhỏ chính mình bị ăn đòn
như thế nào: trong trường trung học của cậu bé Hans thời ấy hình phạt này
vẫn có lúc được áp dụng ở những lớp dưới, thường là đánh bằng roi ngựa.
Mấy ông thầy vì nể nang địa vị xã hội của gia đình nó nên không trực tiếp ra
tay, vậy là lần ấy nó bị một đứa học trò to khỏe, một thằng lớn hơn nó cả cái
đầu quật rất ác, cứ nhằm đùi và ống chân, những chỗ chỉ được che chở bởi
một lớp tất mỏng mà vụt. Những ngọn đòn ấy đau một cách dã man, nhục
nhã, không thể nào quên, có thể bảo là “huyền bí”, khiến nước mắt nó tuôn
ra như suối và chuỗi nấc nghẹn ngào không muốn dứt vì nỗi tức giận điên
cuồng và cảm giác đau đớn bất lực - xin ông Wehsal thứ lỗi
. Và Hans
Castorp đã đọc được ở đâu đó rằng những tên tội phạm ghê gớm cướp của
giết người khi bị phạt hèo trong nhà tù cũng khóc như trẻ con.
Ông Settembrini đưa cả hai bàn tay đi găng da mòn vẹt lên che mặt,
Naphta ngược lại cất giọng lạnh lùng nghiêm khắc hỏi rằng, làm sao cải tạo
được đám tội phạm ngoan cố kia nếu không dùng đến roi vọt, những dụng
cụ hoàn toàn có thể coi là đúng chỗ ở đây. Một nhà tù nhân đạo là một thỏa
hiệp nửa nạc nửa mỡ về thẩm mỹ, và ông Settembrini, mặc dù không ngớt
lời ca ngợi cái đẹp nhưng kỳ thực lại tỏ ra chẳng hiểu quái gì về cái đẹp.
Còn trong lĩnh vực sư phạm, cứ theo lời Naphta thì theo định nghĩa của
những kẻ chủ trương dẹp bỏ biện pháp giáo dục bằng đánh đập khái niệm
nhân phẩm có nguồn gốc từ chủ nghĩa cá nhân tự do tiểu tư sản, từ thời đại
nhân văn khai sáng, từ việc đề cao đến mức tuyệt đối cái tôi - những thứ
đang trên đà diệt vong để nhường chỗ cho các ý tưởng xã hội mới cứng rắn