ngang ngăn đôi, phía trên sang sáng, phía dưới thẫm màu, lõm sâu vào
trong. Những mảng rêu ẩm ướt bám trên vách đá. Hạnh bước theo những
bậc đá lồi lõm xuống bãi cát, chỉ tay hỏi anh Banh :
- Các anh phơi lưới đánh cá ở đây à ?
- Không phải phơi, mà dăng lưới bẫy cá. Em không nhìn thấy những
chú cá phơi vảy lấp lánh kia sao ?
Hạnh trố mắt nhìn. Đúng là trong lưới có cá thật. Những vàng lưới chăng
trên những chiếc cột như mắc võng, cao hơn mặt cát đến trên ba mét. Có
đến bốn vàng lưới. Một cái thang buộc chắc chắn vào chân cột sát mép
vách đá. Anh Banh cởi nút dây buộc thang, kê vào một chiếc cột, trèo lên.
Vừa nhoài tay tóm gọn những con cá đang mắc lưới, anh vừa giải thích :
- Em có nhìn thấy ngấn nước ở vách đá không ? Các anh tính toán mãi
mới ra cách đánh cá này đấy. Chập tối, khi triều lên, nước biển sẽ dâng phủ
kín các vàng lưới này. Các chú cá cứ việc tung tăng nhào vô lưới mà tưởng
mình còn vùng vẫy tự do. Nước rút xuống, cá sẽ mắc lại ở lưới. Bọn anh
chỉ cắt phiên thay nhau đến gỡ về và nộp cho bếp ăn. Kiểu đánh cá này, gọi
là lượm cá trời cho đáy ! Vào vụ cá, có ngày bọn anh kiếm non tạ như chơi.
Đủ mọi loại cá. Chí có một lần thất bại…
Anh Banh đưa cho Hạnh túi cá, trèo xuống và nhấc cái thang sang một
vàng lưới khác. Anh kể tiếp :
- Lần ấy, biển động. Nước triều dâng lên như vỡ đê. Bọn anh nháo
nhào chạy lên cao. Những chiếc cột treo lưới đu đưa ghê gớm. Một con
nhám to như con trâu bị sóng đánh tạt vào vũng đặt lưới của bọn anh. Chao
ơi, nó quẫy mới ghê ! Sóng đánh tung lên không, cao đến mấy mét. Chẳng
ai dám xuống nước, tuy rằng bọn anh toàn dân lính thủy lão luyện cả. Con
nhám quẫy lộn, phá tung cả bốn vàng lưới ngầm. Hôm sau nước rút, may
mà lưới mắc lại chân cột, chớ không thì mất ráo.
- Ở vùng đảo của anh, có cá heo không ?
- Cá heo hử ? Cũng hiếm. Nhưng không phải không có. Nghe đảo
trưởng Trân kể hồi chiến tranh, anh Trân theo một chú cá heo đã được huấn