Ở NƠI BIỂN CẢ - Trang 120

một hẻm nước, rồi neo thuyền vào một gốc cây sát mép nước và nhảy thoắt
lên bờ:
- Đưa cho anh dao và cuộn thừng. Tốt rồi! Em lên đi.
Lâu mới có dịp trở lại với rừng, con Tưởu Ngộ khoái chí kêu lên một tràng
dài «héc héc… héc». Anh Banh lần theo bậc đá đi trước. Đảo trầm mặc
trong hoang vắng. Ánh nắng soi qua những kẽ lá, như rắc hoa vàng trên
những nệm cỏ dày ít người bước tới. Từ trong rừng cây, tiếng chim cồng
cộc gọi nhau vọng vào vách đá, phát lên những tiếng khô khốc. Những thân
cây thẳng tắp, lá che rợp từng khoảnh đất. Ngay trước mặt Hạnh, một cây
cổ thụ đứng sừng sững trên một tảng đá lớn. Nó sống được trên nền đá
cứng đó là nhờ một bộ rễ cây khổng lồ, tỏa ra chằng chịt đan quanh phiến
đá. Nhiều nhánh rễ to bằng cả cây cột, trườn tít ra xa đến năm sáu mét và
luồn lách vào ngách các khe đá. Một đàn bướm trắng từ ngách đá bỗng ồ ạt
bay ra. Đàn bướm quạt cánh phấp phới, sà xuống thấp rồi vổng lên cao,
thấp thoáng sau bụi cây hoa dẻ, rồi ráo rào bay hút vào một ngách hẻm
khác.
Anh Banh đứng ngẩn ra một thoáng ngắm đàn bướm lượn lờ cho đến khi
chúng khuất hẳn, mới đi tiếp. Vừa đi, anh vừa kể:
- Em tớ là thằng Bông ở quê, thư nào cũng nhắc kiếm cho ít bướm ép khô
gửi về. Tập sưu tầm của nó có đến mấy trăm con bướm sống ở đảo, trên
rừng. Có con to như cánh quạt, màu sắc rất lạ. Phòng giáo dục huyện có lần
xuống mượn tập sưu tầm để trưng bày. Các bố quản lý thế nào, bị mất trộm
đến chục con bướm đẹp nhất. Bông khóc cả buổi. Cô giáo viết thư cho
mình, bảo động viên cu Bông sau khi học xong nên vào ngành sinh vật,
nghiên cứu côn trùng. Suỵt, đứng lại, Hạnh có nhìn thấy con gì ở trên cành
cây kia không?
Hạnh ngạc nhiên:
- Con thằn lằn.
- Ờ, thằn lằn. Nhưng để ý nhé. Nó sắp làm xiếc đấy!

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.