Hạnh nép bên vai anh Banh, chăm chú nhìn. Con thằn lằn bò từ từ trên một
cành cây cụt. Phải tinh mắt lắm mới phân biệt nổi nó. Lưng con thằn lằn
hung hung nửa xam xám, lẫn vào màu vỏ cây khô. Nó bò dần ra đầu cụt
của cành cây, rồi rướn mình nhào ra khoảng trống. Ô! Thằn lằn bay.
Đúng là con thằn lằn bay. Cánh nó là một màng da nối dọc hai bên cơ thể
với chi trước. Con thằn lằn bay một đoạn đến ba mét, nhào vào một cành
cây khác. Vừa chạm cây, nó đã bò tuốt lên cao, lẩn vào đám lá rậm rạp.
Anh Banh lại bước đi, giọng sung sướng:
- Này, cả đơn vị chỉ có mình tớ là phát hiện ra cái chuyện lạ ấy thôi nhé.
Năm ngoái một lần, cũng trên đảo này tớ đã nhìn thấy thằn lằn bay. Lần
này, chú mày vớ bở. Chẳng ai ở đơn vị tớ tin đâu. Cha Hươn bảo tớ nói
khoác. Tiếc rằng cao quá không thể bắt được con thằn lằn có cánh này, chứ
tóm được cu cậu, tớ đóng hộp gửi về cu Bông, chắc cả huyện phục lác mắt!
- Anh Thành em bảo ở rừng quốc gia Cúc Phương cũng có thằn lằn bay.
Người ta còn ướp khô, trưng bày cho khách tham quan. Nó là giống bò sát
cổ còn sót lại, rất hiềm. Hóa ra ở đây cũng có.
Anh Banh phấn chấn:
- Thật hả! Thích nhỉ! Vậy mà tớ không biết. Tớ cứ đoán ào đi là con thằn
lằn, hóa ra đúng tủ cu cậu! Cha Hươn còn khích tớ: « Ông Banh quáng mắt,
thấy con chim, con sóc chuyền cành, lại tưởng ra thằn lằn bay! Cứ làm như
quả bóng của ông lúc nào cũng bay vù vù! » Nghe cha Hươn nói tức anh
ách như bò đá!
Hạnh cũng bật cười. Mỗi một ngày ở đảo Song Tây, Hạnh đã thân thiết với
anh Banh, anh Hươn và cả tiểu đội chiến sĩ hải quân. Mỗi lần sinh hoạt, hai
anh Banh và Hươn hay « kê » nhau « lệch tủ đứng » - theo cách gọi đùa
của các chiến sĩ trên đảo. Nói vậy, chứ cả hai gắn bó với nhau như anh em.
Một anh mê đá bóng, một anh mê vẽ. Ở va li « gia tài chiến sĩ » của anh
Hươn, phải có đến hàng trăm bức tranh. Anh Banh càng sôi nổi bao nhiêu,
anh Hươn càng hiền bấy nhiêu. Hiền đến lạ! Cười, chỉ tủm tỉm. Một cái
răng cửa khểnh, nom ngồ ngộ. Đôi bạn thân nhau đến chẳng mấy khi rời
nhau. Bữa trước, anh Hươn bảo: