cảm ơn anh. - Đoạn cụ quay sang Hạnh: - Cháu lấy mấy con cá tươi cho
con Tườu Ngộ đi. Chỗ cá con cốc vừa kiếm được về đó. Con khỉ chừng đói
rồi!
Hạnh vuốt lưng Tườu Ngộ, thưa:
- Ông ơi, chim cốc đã giấu ông cho Tườu Ngộ ăn no rồi. Hai đứa
thân với nhau lắm, ông ạ!
- Chậc chậc! Cái giống cốc vốn khó tính khó nết, khi đã thân thì
trung thành phải biết, nhưng khi nó chẳng ưa ai, thì người đó cấm đến nơi
gần được nó. Cả đời ông, ông đã vài bận nuôi cốc, ông biết. Thời còn trẻ
trung, xa lắm.. Ôi, nhưng cháu trai của ông chắc chẳng thích nghe ông kể
chuyện cũ phải không?
- Ông ơi, ông kể đi. Kể về con cốc thì cháu thích lắm.
- Ờ, ờ! Cái hồi ấy ông còn trẻ. Nhưng mà cũng nghèo lắm. Con bé
Cốc Ri còn chưa đẻ, còn ở ngọn đa ngọn đề nào ấy. (Cốc Ri đã đến sau
lưng Hạnh, cười bẽn lẽn và ghé vào tai Hạnh nói thầm: «Cả anh cũng như
thế chứ, anh cũng ở ngọn đa ngọn đề như em chứ?»). Ông nghèo đến không
có một mảnh đất trên cạn để trú thân, quanh năm chỉ bám lấy cái thuyền
rách, ăn ở trên thuyền, lênh đênh sóng nước, nay chỗ này, mai chỗ khác. Bố
của ông cũng nghèo, chết đi chỉ còn để lại một bức hoành phi vẽ bằng sơn
trên gỗ mộc. Người ta thì sơn son thiếp vàng, còn hoành phi của nhà ông
thì đúng là gỗ mộc viết bằng sơn đỏ, lại nhỏ chỉ ba chục phân tay. Hoành
phi có bốn chữ nho «Hữu thổ vọng gia», nghĩa là «gia đình mơ ước có đất
sống». Bố của ông mơ có đất để sống vậy thôi. Một bận, chú chích trên
biển - ấy, ông gọi theo lối cổ, tức là kẻ trộm ấy mà - nó vào thuyền ông
ăn trộm con cốc, lại vác đi luôn cả bức hoành phi. Có lẽ kẻ trộm chẳng còn
lấy được cái gì quý hơn, vì có gì nữa đâu mà lấy.
Ông buồn lắm, buồn đến nẫu ruột. Bức hoành phi của cha ông để lại, con
cốc biết bao ngày dạy bảo… Cho đến ngày thứ ba, cháu ơi, con cốc bay trở
về với ông vào một buổi sáng. Ông mừng đến chảy nước mắt. Con cốc
cánh xanh, có khi còn đẹp hơn cả con này. Nó đậu ngay trên khoang
thuyền, hót lên những tiếng mừng rỡ. Nhưng đậu được một thoáng, nó bay