Con thuyền rời đảo, quay ngược về đường hướng cũ. Con cốc nhao
nhác nhìn theo ông lão đánh cá, cô bé Cốc Ri xa dần. Hạnh phải vuốt ve bộ
cánh chim óng mượt. Chú Tườu Ngộ nhảy nhót trên bãi cát rồi thoắt một
cái, tót lên một cành cây bần xòa trên mặt nước, chỗ hẻm đá lô nhô. Cô bé
Cốc Ri đứng ở mũi thuyền cũng đang quay lại phía bờ. Mặt cô bé tái mét,
nhưng tay lại vẫy vẫy về phía anh em Hạnh.
Cái chấm nhỏ bé xíu của Cốc Ri đã lẫn trong đám sương mỏng
tang, rồi cả con thuyền cũng xa hút, mà anh em Hạnh vẫn đứng đăm đăm
nhìn theo. Con cốc hót lên một nhịp dài tiễn biệt.
Đảo Hải Vũ, nơi dừng chân của anh Thành trên đường đi công tác,
thật vắng vẻ. Hai anh em đi qua bãi cát qua một ghềnh đầy đám san hô
hoang dại, mới đến một rừng cây chỉ rộng bằng vài cánh vườn um tùm.
Anh Thành vui vẻ giới thiệu:
- Đây là đảo chim, Hạnh ạ. Thật buồn cười, lên đảo chim lại mang
theo chim cốc. Ở Nam Bộ, có những «sân chim» lớn như vùng U Minh
Hạ. Nhưng ở đây em cũng sẽ gặp một đảo chim chẳng kém gì «sân chim»
có khi còn phong phú hơn về chủng loại.
- Em nghe nói ở xứ mình, mùa đông chim về trú lạnh mùa hè lại
bay về phương bắc. Như vậy, anh em mình đi vào dịp này chắc ít chim, làm
sao anh thực hiện được chương trình nghiên cứu?
Anh Thành cười:
- Không ít đâu! Ngoài một số loài chim di cư đã thuần hóa do điều
kiện thiên nhiên của nước mình, còn các loài chim xứ nắng cũng vô vàn.
Rồi em sẽ gặp một số ngay trên đảo chim này thôi. Bây giờ ta vào «khu dân
cư» gặp anh Cao đã.
- Vui quá anh nhỉ! Anh Cao cũng ở đây sao?
- Anh Cao ở đây độ nửa năm rồi. Anh ấy đang làm luận án tiến sĩ,
đề tài về “Đời sống các loài chim biển Đông”. Sau đợt nghiên cứu này, anh
Cao sẽ đi Liên Xô bảo vệ luận án.