Hạnh bỗng nhớ đến người bạn của anh trai mình. Tính anh ấy thật vui. Bữa
anh Cao về Hà Nội mang cho Hạnh con Tườu Ngộ, cứ như mới xảy ra hôm
qua, hôm kia. Bây giờ lại sắp được gặp anh ấy ở ngay trên hòn đảo xa lạ
này, Hạnh thấy mừng lắm.
«Khu dân cư» thật ra chỉ lơ thơ chục ngôi nhà, ở ẩn dưới một vườn cây rậm
rạp. Những bức tường xây bằng tổ ong dày dặn để chống đỡ với bão dông
biển khơi, nối liền nhau như một tòa lâu đài cổ. Anh Cao vừa đi đâu về.
Nhìn thấy hai anh em Hạnh nhô lên từ con đường trũng xuống bờ đảo, anh
chạy vội đến:
- Nhìn nghe đàn chim nháo nhác sau nhà, biết có thuyền cặp đảo,
ai ngờ lại là hai khách quý! Chỉ có hai anh em sao?
Anh Thành ngả chiếc mũ ra quạt phe phẩy:
- Đi quá giang thuyền của một ông lão đánh cá. Thuyền rời đảo
ngay. Ông lão còn đi cho kịp lứa cá mới. Ông tiến sĩ tương lai có khỏe
không?
- Mình từ lâu đã trở thành dân miền biển rồi còn gì. Khỏe lắm!
Lại được bồi dưỡng món thịt chim ở đây, khỏi phải nói… Bổ hơn nhiều so
với huyết chim sẻ ở đồng bằng đấy. Còn Hạnh, có mê chim không? Vớ đâu
được con cốc đó hả? Con chim đẹp nhỉ!
Hạnh chưa kịp trả lời, bên tai bỗng vọng đến tiếng “u…u..u” vang động. Từ
trong vòm cây, một người thấp đậm đi ra. Ông ta khoảng gần năm chục
tuổi, một tay xách xâu chim nặng trĩu, một tay cầm một chiếc vỏ ốc biển
dài đến ba mươi phân. Đấy là cái tù và của ông ta. Ông ta chưa nhìn thấy
đám khách mới lên đảo, lại dừng chân đưa vỏ ốc lên thổi một hơi dài. Chờ
dứt tiếng tù và, anh Cao gọi to:
- Ông Lồng Cẩm ơi! Bữa nay đồ nhắm tốt chớ? Có khách đây!
Bác Cẩm quay lại cười, hàm răng trắng phau nổi lên trên khuôn mặt vuông
vức và nước da bánh mật.
Anh Cao nhanh nhảu giới thiệu:
- Thợ săn kỳ dị của đảo đấy!