– Biết mà – Bác Lồng Cẩm trả lời con, rồi quay sang anh Cao. – Đúng là
anh Hạp đây mà. Cuốn sổ của anh ấy đó: Lê Văn Hạp, dược sĩ quân y. Hồi
đánh Mỹ, có lần chở thuốc vào nam, anh ấy đã qua đảo này, đã ăn thịt chim
với tôi một bữa. Đêm đó nằm với anh, nghe toàn chuyện bộ đội mình vận
chuyển lương thực, đạn dược, thuốc chữa bệnh theo đường biển vào nam
đánh giặc. Cái anh Hạp ấy, tôi phục nhất là người chịu khó. Công việc vận
chuyển gian nan đến vậy, địch đang bủa vây trên biển đến vậy, mà bảo tôi
là vẫn tiếp tục nghiên cứu đề thi cái bằng ông tiến sĩ gì đấy. Y như anh
Thành thôi. À, tôi nhớ ra rồi, anh Hạp bảo đi tìm hiểu dược liệu biển mà.
Anh Thành ôm lấy tập bản thảo đã ướt sũng nước, tuy được bọc kín
trong túi ni lông. Anh bồi hồi thật sự. Từ lúc cùng anh Cao mở chiếc hòm
sắt do Lồng Chéo và Hạnh đưa về, cả hai anh đã sững sờ vì ngạc nhiên khi
nghe bác Lồng Cẩm kể về người dược sĩ quân y thời đánh Mỹ.
Cái hòm sắt đựng bốn cuốn sách về sinh vật in bằng tiếng Anh, một
tập nhật ký viết tay đã bị nước biển làm nhòe nhoẹt và một tập bản thảo
luận án phó tiến sĩ “Dược liệu biển vùng thềm lục địa Việt Nam”. Anh
Thành giở từng trang bản thảo đánh máy. Bên tai anh, giọng bác Lồng Cẩm
vẫn đều đều kể chuyện về con tàu đắm, về người dược sĩ quân y mà anh
chưa biết mặt.
… Đó là những năm ác liệt nhất của con đường mòn Hồ Chí Minh
trên biển Đông. Bọn Mỹ – Ngụy bủa vây, chia thành từng ô nước trên biển
để ngăn chặn tàu thuyền của miền bắc chi viện cho miền nam. Hải thuyền
của địch tuần tra liên tục. Máy bay do thám cất cánh từ tinh mơ. Hệ thống
ra - đa sục sạo. Đèn dù soi sáng từng cái bọt biển. Nhưng các con thuyền,
con tàu của bộ đội ta vẫn rong ruổi ngày đêm vào nam. Có những chuyến
hàng đến đích, nhưng có những con tàu đã không trở về.
Lồng Chéo lay tay bố:
– Dược sĩ Hạp cũng không trở về, hả bố?
Bác Lồng Cẩm lắc đầu:
– Bố không biết. Cái lần bố gặp dược sĩ Hạp, nghe bác ấy nói đã vào nam
bằng đường biển đến bốn đợt. Bác ấy yêu biển lắm. Đêm bác ấy nghỉ ở nhà