– Anh Cao bảo hỏi bác còn ít mật gấu nào, để chữa cho bác Lỳ Kheo mà...
Bác Lồng Cẩm lặng lẽ vào trong buồng. Bà y tá mừng lắm. Bà biết rõ
ở trên đảo, bác Lồng Cẩm không chỉ nổi tiếng là người săn chim cừ khôi,
mà còn có món mật gấu chữa bệnh gia truyền rất giỏi. Bác Lồng Cẩm trong
buồng đi ra, chụp cái mũ rộng vành lên đầu:
– Đi thôi!
Bà y tá bước theo bác Lồng Cẩm bụng mừng hết chỗ nói. Đã bao
nhiêu năm rồi, từ cái vụ lên vách chim yến lấy tổ về cho anh cán bộ bị lạc
ra đảo, tới bây giờ Lồng Cẩm mới chịu đến nhà Lỳ Kheo.
Trận gió trên đảo từ sáng nay vẫn chưa ngớt. Gió thổi ù ù qua những
rặng thùy dương, qua những mảnh vườn, đem theo bụi cát trắng xóa. Cơn
gió khô khan, mù mịt tiếp tục tràn qua đảo. Bà y tá rảo bước đi lên ngang
bác Lồng Cẩm. Bà nhìn nhanh sang bác thợ săn, đâm hoảng. Mặt bác Lồng
Cẩm đăm chiêu và lạnh lẽo đến sợ. Bà y tá đi chậm lại. Tiếng anh Cao làm
bà bớt lo:
– Thầy thuốc nam đến rồi kìa!
Bác Lồng Cẩm ngó qua cái thân hình đã tái ngắt và những mảng thâm
tím trên người lão Lỳ Kheo, rồi ra nhà ngoài, rút chai rượu trắng ra, đổ vào
bát. Anh Thành đón túi mật gấu khô từ tay bác Lồng Cẩm, đổ ra một ít bột
đen nhánh có lẫn những hạt sắc vàng óng ánh như hổ phách, hòa vào bát
rượu.
Anh Thành đưa cho bà y tá bát rượu mật gấu:
– Cái món mật gấu này không những có tác dụng thanh nhiệt, trị kinh giản,
làm thuốc giảm đau, mà còn nhiều thứ công dụng hơn cả mấy thứ thuốc của
bà đó. Ông Lỳ Kheo bị mấy chỗ tụ huyết do ngã và chấn thương đau nhức,
lại bị bất tỉnh nhiều lần, chỉ có cái anh chàng thuốc gia truyền này mới trị
nổi!
Bác Lồng Cẩm gói một ít bột mật gấu nữa, đưa cho bà y tá:
– Đêm nay, cho Lỳ Kheo dùng nốt chỗ này.
– Bác Lồng Cẩm tốt quá!