Một thành viên của nhóm, Bowing, chúng tôi hay gọi là “Thuyền
Trưởng”, đã bắt tay vào một công việc được những người khác tán
thưởng. Từ gần ba năm anh ghi lại tên những người khách của quán
Le Condé, theo những lần họ đến, lần nào cũng đi kèm ngày giờ
chính xác. Anh giao cho hai người bạn của mình làm cùng công việc
ấy tại quán Le Bouquet và quán La Pergola, những nơi mở cửa suốt
đêm. Thật không may, ở hai quán cà phê kia, không phải lúc nào
khách cũng chịu nói tên. Trong thâm tâm, Bowing tìm cách cứu khỏi
quên lãng những con bướm bay thoáng chốc quanh một ngọn đèn.
Anh mơ, anh nói vậy, đến một hệ thống sổ sách thật lớn ghi rõ tên
khách mọi quán cà phê của Paris từ trăm năm nay, với ghi chú về lúc
họ đến và lúc họ đi. Anh bị ám ảnh bởi cái mà anh gọi là “những
điểm cố định”.
Trong dòng chảy miên viễn những phụ nữ, đàn ông, trẻ con, và
chó, tất tật diễu qua rồi rốt cuộc tan biến dọc các phố, ta những
muốn lưu giữ một khuôn mặt, đôi khi. Phải rồi, theo Bowing, giữa
chốn phồn hoa đô hội cần phải tìm ra vài điểm cố định. Trước khi ra
nước ngoài, anh đã đưa cho tôi quyển vở ghi chép cặn kẽ về khách
khứa của quán Le Condé, từng ngày một, trong vòng ba năm. Nàng
chỉ xuất hiện trong đó dưới cái tên đi mượn, Louki, và nàng được
nêu tên lần đầu vào một ngày 23 tháng Giêng. Mùa đông năm ấy
đặc biệt khắc nghiệt, khiến cho một số trong chúng tôi cả ngày
không rời Le Condé để tránh lạnh. Thuyền Trưởng cũng chép lại địa
chỉ của chúng tôi thế nên ta có thể hình dung được chặng đường
quen thuộc dẫn mỗi người chúng tôi tới quán Le Condé. Đó cũng là
một cách, với Bowing, thiết lập những điểm cố định. Anh không ghi
ngay địa chỉ của nàng. Mãi tới một ngày 18 tháng Ba ta mới đọc
được dòng này: “14 giờ. Louki, 16, phố Fermat, quận XIV”. Nhưng
ngày 5 tháng Chín cùng năm, nàng đã đổi địa chỉ: “23h40. Louki, 8,
phố Cels, quận XIV”. Tôi cho rằng Bowing vạch ra trên những tấm
bản đồ Paris cỡ lớn chặngường tới Le Condé của chúng tôi và