Neuilly và rừng Boulogne. Nhưng vậy thì tại sao cô ta lại cưới
Choureau? Và rồi lại thêm một cuộc trốn chạy, nhưng lần này là về
hướng tả ngạn, cứ như thể việc vượt qua sông bảo vệ cho cô ta khỏi
một mối nguy hiểm sắp xảy đến. Nhưng cuộc hôn nhân này không
phải cũng là một sự bảo vệ hay sao? Nếu cô ta có đủ kiên nhẫn để ở
lại Neuilly, hẳn về lâu về dài người ta sẽ quên đi rằng bên dưới Bà
Jean-Pierre Choureau còn ẩn giấu một Jacqueline Delanque với cái
tên đã hai l xuất hiện trong các hồ sơ cảnh sát.
Nhất định là tôi vẫn còn bị cầm tù trong những phản ứng nghề
nghiệp cũ kỹ, những phản ứng khiến các đồng nghiệp của tôi nói
rằng tôi theo đuổi các cuộc điều tra ngay cả trong khi ngủ. Blémant
hay so sánh tôi với tên vô lại thời hậu chiến mà người ta gọi là “Kẻ
vừa ngủ vừa hút thuốc”. Lúc nào hắn cũng để bên mép bàn ngủ một
cái gạt tàn trên đó đặt một điếu thuốc châm sẵn. Hắn ngủ chập chờn
và, mỗi lần thoáng tỉnh dậy, lại chìa tay về phía gạt tàn và hít một
bụm khói thuốc lá. Hút xong điếu thuốc, hắn liền châm ngay một
điếu khác bằng cử chỉ của kẻ mộng du. Nhưng, sáng ra thì hắn
chẳng còn nhớ gì nữa và tin rằng mình đã ngủ một giấc rất sâu. Tôi
cũng thế, trên cái ghế băng này, giờ đây khi trời đã tối, tôi có cảm
giác mình đang ở trong một giấc mơ nơi tôi vẫn tiếp tục theo dấu
Jacqueline Delanque.
Hoặc nói đúng hơn thì tôi cảm thấy sự hiện diện của cô ta trên cái
đại lộ có những ánh đèn sáng lung linh như các dấu hiệu, mà tôi
không biết rõ lắm là phải giải mã ra sao và cũng chẳng biết chúng
hướng đến tôi từ sâu thẳm những năm tháng nào. Và với tôi những
đèn đóm ấy lại còn sống động hơn nữa vì vẻ nhập nhoạng tối của
dải đất giữa đường. Vừa sống động vừa xa vời.
Tôi đi tất lại, nhét lại chân vào cái giày bên trái và rời ghế băng nơi
tôi sẵn sàng ngồi qua cả đêm. Và tôi bước đi dọc theo dải đất giống
như cô ta, ở tuổi mười lăm, trước khi bị bắt. Nơi nào và vào lúc nào
cô ta bắt đầu thu hút sự chú ý của người khác?