từ trong ví mấy đồng tiền, tôi hiểu mẹ chỉ còn đủ ngần ấy để trả.
Phần đường còn lại chúng tôi cuốc bộ. Tôi bước đi nhanh hơn mẹ, để
bà rớt lại đằng sau lưng. Rồi tôi dừng lại đợi mẹ bắt kịp. Trên cây
cầu nhìn thẳng xuống nghĩa trang và là nơi từ đó nhìn được tòa nhà
của chúng tôi phía dưới kia, chúng tôi dừng thật lâu và tôi có cảm
giác mẹ đang lấy lại hơi. “Con đi nhanh quá”, mẹ bảo tôi. Giờ thì tôi
nảy ra một ý. Có lẽ tôi đang thử lôi kéo bà đi xa hơn đôi chút khỏi
cái cuộc sống chật chội của bà. Nếu bà không chết, tôi tin hẳn mình
có thể giới thiệu với bà những chân trời khác.
Ba hay bốn năm tiếp sau đó, vẫn thường là cùng những lộ trình
ấy, cùng những phố ấy, nhưng mỗi lúc tôi một đi xa hơn. Hồi đầu,
thậm chí tôi còn không ra tới quảng trường Blanche. Mà chỉ là đi
vòng vòng quanh khối nhà... Trước hết là cái rạp chiếu phim nhỏ xíu
đó, nằm ở góc đại lộ cách nhà tôi vài mét, nơi buổi chiếu bắt đầu vào
lúc mười giờ tối. Phòng trống, ngoại trừ thứ Bảy. Các bộ phim lấy
bối cảnh những vùng đất xa xôi, như Mexico và Arizona. Tôi hoàn
toàn không để ý tới cốt truyện, mà chỉ quan tâm đến các khung
cảnh. Lúc đi ra, trong đầu tôi hình thành một sự pha trộn kỳ quặc
giữa Arizona và đại lộ Clichy. Màu sắc của các biển hiệu sáng đèn và
những ngọn đèn nê ông giống hệt như trong phim: cam, xanh ngọc
bích, xanh thẫm màn đêm, vàng cát, những màu quá rợ làm tôi có
cảm giác vẫn còn ở trong bộ phim hoặc trong một giấc mơ. Một giấc
mơ hoặc một cơn ác mộng, điều đó thì còn tùy. Thoạt tiên đó là mộc
cơn ác mộng vì tôi thấy sợ và không dám đi xa hơn nữa. Và không
phải là bởi mẹ tôi. Nếu bắt chợt tôi một mình trên đại lộ, giữa đêm,
hẳn cùng lắm bà cũng sẽ chỉ nói một lời trách cứ. Hẳn bà sẽ bảo tôi
về nhà, bằng cái giọng bình thản của bà, như thể bà không hề ngạc
nhiên khi thấy tôi bên ngoài vào cái giờ khuya khoắt này. Tôi nghĩ
lúc ấy tôi bước đi trên vỉa hè phía bên kia, vỉa hè của bóng tối, vì tôi
cảm thấy mẹ không còn có thể làm gì cho tôi nữa.