quý vị cũng sẽ được thay đổi”. Như tôi đã nói, mọi thành bại đều bắt nguồn
từ lãnh đạo. Bí quyết để mọi thứ luôn phát triển là tính nhất quán. Nhưng vì
sao tính nhất quán lại quan trọng đến vậy?
1. TÍNH NHẤT QUÁN TẠO DỰNG SỰ TIN TƯỞNG
Tổng thống thứ 34 của Mỹ Dwight Eisenhower đã nói: “Một người muốn
trở thành nhà lãnh đạo, phải có những người tình nguyện đi theo anh ta. Và
để có những người đi theo thì phải có được sự tin tưởng của họ. Do đó,
không thể chối bỏ vai trò của tính nhất quán đối với một nhà lãnh đạo xuất
sắc. Nếu không có nó, không thể có thành công thật sự cho dù anh ta chỉ
lãnh đạo một nhóm người, một đội bóng, một đội quân hay một tốp nhân
viên trong văn phòng. Nếu những người cộng tác nhận thấy anh ta là một
người giả dối, thiếu thẳng thắn, không chính trực, anh ta sẽ thất bại. Những
điều nhà lãnh đạo nói và làm phải thống nhất với nhau. Do vậy, tính nhất
quán và mục đích cao cả là tố chất quan trọng nhất đối với nhà lãnh đạo”.
Pieter Bruyn, một chuyên gia quản trị người Hà Lan, cho rằng: quyền hành
không phải là quyền lực của ông chủ áp đặt lên nhân viên của mình, mà là
khả năng gây ảnh hưởng đến nhân viên, khiến họ nhận thức và chấp nhận
quyền lực ấy. Ông gọi nó là “sự mặc cả”(bargain) tức là nhân viên ngầm
chấp nhận ông chủ như một sự đền đáp cách lãnh đạo mà họ có thể chấp
nhận. Lý thuyết của Bruyn cho ta thấy, một nhà quản lý phải xây dựng và
nuôi dưỡng sự tin tưởng trong nhân viên của mình. Nhân viên phải tin rằng
ông chủ của họ sẽ cư xử chân thành với họ.
Những người chịu trách nhiệm lãnh đạo thường mong muốn xây dựng một
tổ chức khiến mọi người có trách nhiệm tuân theo. Họ đòi hỏi một chức
danh mới, một vị trí khác, một sơ đồ tổ chức và một chính sách mới để
giảm thiểu số nhân viên không phục tùng. Nhưng họ không đủ uy quyền để
tạo nên ảnh hưởng. Nguyên nhân là vì họ chỉ quan tâm đến bề nổi, trong khi
vấn đề lại nằm ở bên trong. Họ thiếu đi uy quyền vì thiếu sự nhất quán.