- Không hiểu sao khi đóng lon cai, hắn lại đểu cáng quá quẩn đến thế...
Câu hỏi làm cho Cốp sôi nổi hẳn lên:
- Không phải chỉ riêng Himmenxtôt mới thế, nhiều người khác cũng thế.
Khi họ vừa đeo cái lon hoặc thanh gươm vào là họ biến chất hoàn toàn, y
như tọng ximăng cất sắt vào người.
- Quân phục nó làm nên thế... - tôi nói như một giả thuyết.
- Cũng gần đúng thế, - Cát vừa nói vừa chuẩn bị một bài diễn thuyết
tràng giang đại hải. - Thế nhưng lý do chính lại khác. Cậu thấy đấy. Khi cậu
luyện cho một con chó biết ăn khoai lang, rồi sau cậu chìa cho nó một
miếng thịt: dẫu sao nó cũng vẫn nhảy xổ vào đớp miếng thịt, vì đó là bản
chất của nó; nếu cậu cho con người một chút quyền hành, câu chuyện cũng
thế thôi: hắn cũng nhảy xổ vào. Cái đó là lẽ tự nhiên, vì bản thân con
người, nguồn gốc chỉ là một con vật bẩn thỉu, có lẽ chỉ mãi về sau này nó
mới dược quét lên một lớp lễ nghĩa, như một lát bánh có phết bơ lên vậy.
Thế mà cuộc đời nhà binh lại là thằng nọ có quyền hơn thằng kia. Khổ một
nỗi anh nào cũng có nhiều quyền quá: một thầy cai có thể hành chú lính
trơn đến phát điên, cũng như ngài thiếu uý hành thầy cai, ngài đại uý hành
ngài thiếu uý. Bởi anh nào cũng biết cái quyền của mình, nên họ quen lạm
quyền. Lấy một thí dụ đơn giản: Chúng mình vừa đi tập về, mệt bở hơi tai.
Thế mà họ ra lệnh hát. Kết cục là một điệu hát kém hào hứng, vì anh nào
anh nấy chỉ còn đủ sức cõng cái ba lô. Thế là cả đại đội phải đằng sau quay,
chịu phạt, tập thêm một giờ nữa. Khi trở về lại có lệnh hát: người ta phải cố
hát cho ra hát. Như vậy có nghĩa lý gì. Viên chỉ huy đại đội cứ làm theo ý
mình, vì ông ta có quyền. Không ai có thể chỉ trích ông ta được, trái lại ông
ta lại được tiếng cương quyết là đằng khác.
Nhưng đó mới là chuyện vặt còn có những biện pháp hắc hơn nhiều, làm
cho các cậu sùi bọt mép ra nữa kia. Bây giờ mình hỏi các cậu, có nghề gì
cho một người thường dân làm, dù hắn là ông gì đi nữa, để hắn có thể giở