Trước nay Keith chưa bao giờ được phụ nữ gọi là ngài, vì vậy anh có vẻ
không thích. Anh lấy từ túi áo trong ra một phong thư, đưa qua bàn cho cô
ta. “Tôi có hẹn với giám đốc văn phòng lúc chín giờ”.
“Tôi nghĩ ông ấy chưa đến. Nhưng để tôi xem lại, thưa ngài”.
Cô ta nhấc điện thoại nói chuyện với một đồng nghiệp. “Sẽ có người ra
gặp ngài bây giờ”, cô ta đặt máy xuống nói. “Mời ngài ngồi”.
Mấy phút hóa ra là gần một tiếng; trong thời gian đó, Keith đã đọc từ
trang đầu đến trang cuối hai tờ báo trên bàn cà phê, nhưng không ai mời
anh cà phê cả. Der Berliner chẳng khá gì hơn tờ Cherwell, tờ báo sinh viên
ở Oxford mà anh thường chế giễu, còn Der Telegraf càng tồi tệ hơn. Nhưng
vì giám đốc của PRISC được nhắc đến hầu như trên các trang của tờ Der
Telegraf, nên Keith hy vọng người ta không hỏi ý kiến anh nghĩ thế nào về
các báo này.
Cuối cùng một phụ nữ khác xuất hiện, hỏi ai là ông Townsend. Keith
đứng vụt dậy, đến bên bàn.
“Tôi là Sally Carr”, cô ta nói với giọng cockney nghe rất vui tai. “Tôi là
thư ký giám đốc. Tôi có thể giúp gì được ông?”.
“Tôi đã viết cho chị từ Oxford”, Keith đáp, hy vọng giọng mình nghe
già hơn tuổi. “Tôi là phóng viên của tờ Oxford Mail, được giao viết một
loạt bài về điều kiện sinh hoạt ở Berlin. Tôi có hẹn gặp…”, anh lật lá thư.
“… Đại úy Armstrong”.
“À, tôi nhớ ra rồi”, cô Carr nói. “Nhưng tôi e rằng Đại úy Armstrong
sáng nay bận thăm khu vực của Nga. Tôi không nghĩ ông sẽ trở lại văn
phòng trong ngày. Nếu sáng mai ông đến, tôi tin ông ấy sẽ rất vui lòng tiếp
ông”. Keith cố không tỏ vẻ thất vọng, nói rằng anh sẽ trở lại lúc chín giờ
sáng hôm sau. Giá như anh không nghe nói đại úy Armstrong biết Berlin
còn rõ hơn tất cả các sĩ quan tham mưu khác cộng lại, chắc anh đã chẳng
cần gặp làm gì.
Ngày hôm đó anh đi thăm khu vực do Anh chiếm đóng, thỉnh thoảng
dừng chân ghi lại những gì cần cho bài viết: Cách người Anh đối xử với
người Đức bại trận; những cửa hàng trống trơn hàng hóa trong khi quá
nhiều khách hàng; các góc phố đều đầy người xếp hàng chờ mua thực