“Tôi e rằng không”, cô ta trả lời. “Cả buổi chiều đại úy có nhiều cuộc
hẹn ở khu vực người Mỹ”.
Keith nhún vai. “Chị có thể chỉ đường cho tôi tới khu vực người Pháp
không?”.
Đi bộ trên những đường phố thuộc một khu vực khác của Berlin cũng
không có gì “thu nhập” thêm so với những điều anh thu lượm được ngày
hôm trước, trừ việc biết rằng có hai ngôn ngữ mà anh không nói được ở
thành phố này. Hậu quả là anh có một bữa ăn mà anh không muốn và một
chai rượu vang anh không đủ tiền trả. Sau bữa trưa, anh trở lại xưởng xem
họ sửa đến đâu. Khi anh tới nơi, xưởng đã thắp đèn, tay thợ nói được tiếng
Anh đã về nhà nghỉ. Keith thấy chiếc Magnette của mình ở góc sân trước
trong tình trạng nguyên xi như lúc sáng. Người thợ chỉ làm được mỗi một
việc là chỉ vào con số tám trên đồng hồ của anh.
Sáng hôm sau, Keith trở lại xưởng lúc tám giờ kém mười lăm, nhưng
mãi tám giờ mười ba phút tay thợ biết tiếng Anh mới tới. Anh ta đi quanh
xe một vòng, rồi phán: “Phải mất ít nhất một tuần mới xong”. Lần này
Keith phải đưa ra đồng một bảng.
“Nhưng có lẽ tôi có thể cố gắng sửa trong một vài ngày… Vấn đề là ưu
tiên”, anh ta nhắc lại. Keith quyết định mình không có đủ tiền để là ưu tiên
số một.
Trên chuyến xe điện chật cứng, anh bắt đầu xem lại ngân quỹ thiếu đủ
thế nào. Nếu anh ở thêm mười ngày nữa, sau khi trả tiền khách sạn và tiền
sửa xe chắc chắn anh sẽ phải ngủ trong xe. Đến một bến xe đã trở nên quen
thuộc, Keith nhảy xuống. Lần này anh phải đợi hai mươi phút, đọc lại đúng
tờ báo lần trước anh đọc, trước khi cô thư ký giám đốc xuất hiện, mặt lộ vẻ
bối rối.
“Thưa ông Townsend! Tôi lấy làm tiếc, đại úy Armstrong có việc gấp
phải bay về Anh. Phó giám đốc, trung úy Wakeham sẽ rất vui lòng tiếp
ông”.
Keith gặp trung úy Wakeham gần nửa tiếng. Ông này gọi anh là “ông
bạn”, giải thích tại sao ông ta không thể vào Spandau và lại kể nhiều
chuyện tiếu lâm về Don Bradman. Tới lúc ra về, Keith có cảm giác mình