“Không”, bà đáp ngay. “Nhưng cha con hy vọng lúc này con dành nhiều
thời gian hơn vào chuyện học hành, nếu không cha con cảm thấy Oxford
chẳng có ý nghĩa gì với con cả”.
Một lần nữa Keith lại quyết tâm chuẩn bị cho thi cử. Trong suốt tám
tháng tiếp theo, anh dự tất cả các bài giảng, không bỏ sót một buổi thảo
luận nào. Với sự giúp đỡ của Tiến sĩ Howard, anh tiếp tục học qua luôn hai
kỳ nghỉ, càng làm cho anh thấy trong hai năm qua anh đã học hành ít đến
mức nào. Anh bắt đầu ước giá mình đem cô Steadman theo, thay vì là chiếc
Magnette thì có phải hay biết bao.
Vào ngày thứ Hai, tuần thứ bảy của kỳ học cuối cùng, chỉnh tề trong bộ
complet đen, áo và cravate trắng, bên ngoài là áo choàng của sinh viên đại
học, anh đến phòng thi. Trong năm ngày tiếp theo, anh ngồi ở chiếc bàn
quy định, đầu cúi xuống, cố gắng trả lời được càng nhiều câu trong mười
một bài thi càng tốt. Buổi chiều ngày thứ năm, khi bước từ phòng thi ra
ngoài ánh nắng mặt trời, anh cùng các bạn ngồi ở bậc tam cấp của phòng
thi, chạm ly champagne với khách qua đường, nếu ai muốn chia vui với họ.
Sáu tuần sau, Keith nhẹ người khi thấy tên mình đỗ loại ưu trong danh
sách những người thi đỗ niêm yết ở phòng thi. Từ ngày hôm đó, anh không
bao giờ cho lớp học biết anh đỗ loại gì, mặc dù anh phải đồng ý với Tiến sĩ
Howard rằng tấm bằng đó không thích hợp lắm với cái nghề mà anh sắp
bước vào.
Keith muốn trở về Úc ngay sau khi biết kết quả thi, nhưng cha anh
không chịu. “Bố muốn con tới làm việc với bác Max Beaverbrook, bạn cũ
của bố ở tờ Express”, ông nói qua đường điện thoại cứ lạo xạo tuốt. “Trong
sáu tháng, bác Beaver sẽ dạy con nhiều hơn những gì con học được ở
Oxford trong ba năm”.
Keith cố kiềm chế không nói với cha rằng điều đó cũng chẳng có gì ghê
gớm lắm. “Điều con quan tâm trước hết là tình trạng sức khoẻ của bố. Con
chẳng muốn ở lại Anh, nếu về nhà có nghĩa là con đỡ đần bố được phần
nào”.
“Chưa bao giờ bố khoẻ như lúc này, con ạ”, Hầu tước Graham nói. “Bác
sĩ bảo bố gần như đã trở lại bình thường, và chừng nào bố không làm việc